Vụ Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế cầm quyền trượng ở lễ tốt nghiệp: Bộ GD&ĐT quy định thế nào về lễ phục?
PLBĐ - Vụ việc Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) mặc áo nhung, cầm quyền trượng tại lễ trao bằng tốt nghiệp đại học tối 29/7 đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quy định thế nào về lễ phục tốt nghiệp đại học?
Tranh cãi trang phục Hiệu trưởng Đại học Kinh tế
Ngày 29/7 vừa qua, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho các tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế mặc áo nhung, mũ và găng tay đồng màu đỏ, đeo vòng cổ và cầm quyền trượng. Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ pha đen, mũ màu đen, găng tay màu trắng.
Những hình ảnh tại buổi lễ được chia sẻ trên mạng xã hội gây ra nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng trang phục, phụ kiện của hiệu trưởng quá màu mè, lai căng. Bên cạnh những ý kiến mỉa mai, chê bai, một số người lại cho rằng trang phục tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp hôm 29/7 của nhà trường không có gì đáng chê trách, chỉ là họ làm mới.
Nhiều giảng viên cũng như nhà báo đã lên tiếng bênh vực và khen, đó là một cách sáng tạo riêng biệt của nhà trường. Trong buổi lễ, tất cả thầy trò ai nấy cũng đều nở nụ cười tươi, rạng rỡ, vì đó là ngày trọng đại của nhiều người.
Trao đổi với Vietnamnet, TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu về quản trị công và chính sách, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần nhìn nhận đây là một nỗ lực sáng tạo của nhà trường, nhằm tạo ra một không khí mới mẻ, khác lạ và có thể giúp sinh viên cảm thấy hứng khởi trong ngày lễ tốt nghiệp. Nếu Bộ GD&ĐT không cấm thì mỗi trường đại học có quyền sáng tạo và khi sáng tạo thì có thể bị dư luận phản ứng.
Ông Đáng cho rằng, một số bình luận cho rằng đây là sự màu mè, diêm dúa là quan điểm chủ quan. "Dù hiệu trưởng có chuẩn bị thêm quyền trượng là một điểm mới, không phổ biến lắm ở Việt Nam từ trước đến nay. Nhưng nếu xét rộng ra trên thế giới thì trong các buổi lễ tốt nghiệp của các trường đại học thì người dẫn đầu bao giờ cũng có quyền trượng như vậy và đơn thuần chỉ mang tính biểu tượng cho tri thức. Tuy nhiên, nhà trường có thể lắng nghe và có điều chỉnh cho phù hợp với góc nhìn của người Việt", ông Đáng nói.
Ông Đáng cũng dẫn chứng ở lễ tốt nghiệp thạc sĩ khóa học của bản thân năm 2007 tại Đại học Queensland (Australia), các giáo sư đạo mạo nhất trường cũng xếp hàng dài và giáo sư đi đầu cũng mang theo quyền trượng và chỉ là mang tính biểu tượng quyền lực, tri thức. Ông Đáng cho rằng, những điều này cũng khiến buổi lễ tốt nghiệp trở nên trang nghiêm và thú vị hơn hẳn.
Vì vậy, theo ông Đáng không có gì đáng ngại. Vấn đề là nhà trường cần bình tĩnh lắng nghe, để xem cái gì phù hợp và cái gì là phi lý.
Liên quan đến vụ việc, tối ngày 31/7, Đại học Quốc gia Hà Nội đã gửi công văn đến Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, đề nghị báo cáo tình hình tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên và học viên của trường năm 2022 diễn ra hôm 29/7 gây tranh cãi trên mạng xã hội. Theo đó, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị hiệu trưởng Đại học Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đang gây tranh cãi trước ngày 2/8. Đồng thời, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng trường này phải chỉ đạo rà soát và điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự.
Bộ GD&ĐT quy định lễ phục tốt nghiệp thế nào?
Theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên. Cụ thể, lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp nhằm tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Lễ phục bao gồm: Áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có).
Văn bản này không quy định cụ thể về lễ phục liên quan đến các yếu tố chi tiết như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng mà chỉ quy định chung về nguyên tắc mặc đồng phục như sau: Bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường; phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác; bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.
Nguyên tắc mặc lễ phục phải bảo đảm tính thống nhất trong từng trường hoặc từng ngành đào tạo; đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp; đảm bảo phân biệt người tốt nghiệp các trình độ được đào tạo: trung cấp, đại học; đảm bảo tính khoa học, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trường hợp được các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước tài trợ kinh phí thì đồng phục, lễ phục phải đảm bảo quy định tại văn bản này, không được lạm dụng việc tài trợ để quảng cáo; khuyến khích học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục dân tộc mình trong ngày lễ, ngày tết, ngày hội và trong những ngày nhà trường không quy định mặc đồng phục.
Điều 5 Thông tư 26 quy định tiêu chuẩn lễ phục như sau:
Áo: Áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Mũ: màu của mũ phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng.
Biểu trưng (logo) của trường được gắn ở ngực áo bên trái.
Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.
T.H (th)