Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh BHYT là bao lâu?

28/06/2024 11:11

Năm 2024, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT là bao lâu? Pháp luật quy định về trường hợp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT lần đầu như thế nào?

Căn cứ Điều 18 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, quy định về ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

1. Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh BHYT là bao lâu?

Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định như sau:

(i) Thời hạn của hợp đồng từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm, tối đa không quá 36 tháng.

(ii) Đối với hợp đồng ký lần đầu, thời hạn của hợp đồng được tính kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12 của năm thời hạn hợp đồng hết hiệu lực, tối đa không quá 36 tháng.

(iii) Trường hợp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành việc ký hợp đồng năm sau trước ngày 31/12 của năm đó.

Trước khi hợp đồng hết hiệu lực 10 ngày, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội thỏa thuận gia hạn và thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng một phụ lục hợp đồng thì phụ lục đó có giá trị pháp lý, trừ khi có thỏa thuận khác.

File Excel tính số tiền nhận bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2024

Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh BHYT

Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh BHYT

(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Quy định về trường hợp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lần đầu như thế nào?

Quy định về trường hợp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lần đầu sau đây:

(i) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đến cơ quan bảo hiểm xã hội.

(ii) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo ngày ghi trên dấu công văn đến), cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện xong việc xem xét hồ sơ và ký hợp đồng. Trường hợp không đồng ý ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 01/01 nhưng ra viện kể từ ngày 01/01 thì tính chí phí như thế nào?

Các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 01/01 nhưng ra viện kể từ ngày 01/01 thì thực hiện như sau:

(i) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì tính vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh năm sau.

(ii) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tiếp tục ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì tính vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh năm đó.

Điều 16. Hồ sơ ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế - Nghị định 146/2018/NĐ-CP

1. Trường hợp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh lần đầu, hồ sơ gồm:

a) Công văn đề nghị ký hợp đồng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Bản sao giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Bản chụp có đóng dấu của cơ sở đối với quyết định phân hạng bệnh viện của cấp có thẩm quyền (nếu có) hoặc quyết định về tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập;

d) Danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bằng văn bản hoặc bản điện tử).

2. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung chức năng, nhiệm vụ, phạm vi chuyên môn, hạng bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm hoàn thành việc ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng mới.