Năm 2024, tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi nào tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp? Yêu cầu để trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán là gì?
1. Năm 2024, tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi:
(i) Trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Mục 2 bài viết này.
(ii) Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương án).
(iii) Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án.
(iv) Phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
(v) Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, theo khoản 7 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN thì ngoài việc đáp ứng các quy định khác tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Điều kiện để tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Yêu cầu để trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán là gì?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
(i) Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo đúng quy định của pháp luật.
(ii) Được phát hành bằng đồng Việt Nam.
(iii) Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu).
3. Quy định mới nhất về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp như thế nào?
>> Quý khách hàng tham khảo chi tiết tại bài viết: Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng từ ngày 12/8/2024.
Điều 9. Điều kiện chào bán trái phiếu – Nghị định 153/2020/NĐ-CP 1. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: a) Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. b) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành. d) Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định này. đ) Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này. e) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định này. 2. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này. 3. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần. b) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này. c) Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này. d) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất. đ) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. |