Đang ngồi uống nước, người đàn ông 33 tuổi ở Bắc Giang bất ngờ bị ngừng tim nguy kịch
Nam bệnh nhân 33 tuổi bị ngừng tuần hoàn hơn 50 phút đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy cứu sống ngoạn mục.
Nhờ sự kiên trì, nỗ lực cấp cứu giành giật sự sống của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy mà một nam bệnh nhân 33 tuổi bị ngừng tuần hoàn (ngừng tim) hơn 50 phút đã được cứu sống ngoạn mục, hồi phục hoàn toàn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.
Bệnh nhân là Dương Văn T. (33 tuổi) ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trước khi vào viện khoảng 10 phút, bệnh nhân đang ngồi uống nước đột ngột mất ý thức, ngưng thở, ngừng tim được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau gần 50 phút nỗ lực của kíp cấp cứu, bệnh nhân có tuần hoàn tái lập trở lại.
Đánh giá đây là tình trạng tối khẩn cấp, Bệnh viện Bãi Cháy nhanh chóng hội chẩn với bác sĩ hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chỉ định chuyển viện thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não, giảm di chứng thần kinh sau thời gian ngừng tim kéo dài.
Bệnh nhân vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, glasgow 6 điểm, thở máy qua ống nội khí quản, duy trì thuốc vận mạch. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính để loại trừ các nguyên nhân do đột quỵ não, tắc mạch phổi và nhồi máu cơ tim cấp. Cùng với đó nhanh chóng áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, như: thở máy, lọc máu liên tục và đặc biệt là kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để vệ não cho người bệnh.
Với thiết bị hạ thân nhiệt theo phương pháp nội mạch, các bác sĩ đưa một ống thông chuyên biệt vào tĩnh mạch lớn của bệnh nhân và tiến hành hạ thân nhiệt trung tâm của bệnh nhân từ 37 độ C xuống còn khoảng 33 độ C và duy trì mức này trong vòng 24 giờ mục đích bảo vệ não sau ngừng tuần hoàn.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, rút được ống nội khí quản, có thể giao tiếp được bình thường, ăn uống đường miệng, không liệt, vận động tốt, gần như không để lại di chứng thần kinh đáng kể nào. Hiện bệnh nhân đã được chuyển khoa Tim mạch để tìm nguyên nhân đặc, biệt là các nguyên nhân do rối loạn nhịp tim để có phương án dự phòng tái phát.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Dung, khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Bệnh nhân T. trẻ tuổi, tiền sử khỏe mạnh, đột ngột ngưng tim, hôn mê mất ý thức. Nhờ nỗ lực kiên trì cấp cứu ngừng tuần hoàn liên tục trong 50 phút của các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy mà trái tim bệnh nhân đã đập trở lại. Song dù cấp cứu thành công nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, nguy cơ để lại di chứng rất cao, tỷ lệ sống sót thấp do não đã bị tổn thương trong thời gian dài. Vì vậy, ngay khi bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Đây là phương pháp hồi sức tối ưu nhất có thể lúc để mang lại cơ hội sống và hồi phục tốt nhất cho người bệnh. Đặc biệt với thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp kéo dài tới 50 phút mới có tuần hoàn tái lập mà tình trạng thần kinh phục hồi rất tốt cho thấy năng lực cấp cứu, hồi sức rất chuyên nghiệp, hiệu quả".
Bác sĩ Dung cho biết thêm, với biện pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, khi nhiệt độ cơ thể hạ xuống, giúp giảm chuyển hoá của tế bào não, bớt phù và viêm, áp lực hộp sọ giảm, tế bào não được cung cấp đầy đủ ôxy nên khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn. Với sự kiên trì của kíp cấp cứu, phối hợp liên viện chặt chẽ cũng như những nỗ lực điều trị bằng các biện pháp hồi sức hiện đại nhất mà bệnh nhân trẻ tuổi ngưng tim 50 phút giờ đã hồi phục không di chứng. "Đây thực sự là kỳ tích, mang lại niềm hạnh phúc cho người bệnh, gia đình và cho chính đội ngũ y bác sĩ chúng tôi", BS Dung nói.
Với bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn một thời gian dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp nhưng tỉ lệ sống sót cũng rất thấp (khoảng dưới 10%) do não đã tổn thương nặng. Nếu cứu sống được bằng các biện pháp điều trị tích cực như: cấp cứu ngừng tim, thở máy, cung cấp oxy, sử dụng phối hợp các thuốc,… thì bệnh nhân vẫn có nhiều nguy cơ bị để lại di chứng thần kinh do tổn thương não nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).