Cung ứng 7 dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nước từ 01/7/2024
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó sẽ cung ứng 7 dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nước từ 01/7/2024.
Cung ứng 7 dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nước từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 15/2024/TT-NHNN quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Cung ứng 7 dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nước từ 01/7/2024
Theo đó, Thông tư 15/2024/TT-NHNN quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nước (sau đây gọi là dịch vụ thanh toán) của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, bao gồm các dịch vụ:
- Lệnh chi
- Ủy nhiệm chi
- Nhờ thu
- Ủy nhiệm thu
- Chuyển tiền
- Dịch vụ thu hộ và chi hộ.
Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bao gồm:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
- Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
(Điều 1, 2 Thông tư 15/2024/TT-NHNN)
Yêu cầu đối với dịch vụ thanh toán thực hiện bằng phương tiện điện tử từ 01/7/2024
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi cung ứng các dịch vụ thanh toán thực hiện bằng phương tiện điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tuân thủ các quy định về việc lập, xử lý, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Xây dựng quy trình thanh toán trong đó đảm bảo có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu nhận biết khách hàng; đáp ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật khi dịch vụ thanh toán thực hiện bằng phương tiện điện tử theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Có thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng và các bên liên quan, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và cơ chế giải quyết tranh chấp (nếu có) theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng có biện pháp thông báo cho khách hàng trên môi trường điện tử về bằng chứng giao dịch thanh toán thực hiện bằng phương tiện điện tử, trong đó tối thiểu nêu rõ số tham chiếu giao dịch, ngày giao dịch, số tiền giao dịch. Việc sử dụng kênh thông báo tối thiểu phải qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử hoặc kênh thông báo khác và phải được thể hiện trong thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
(Điều 5 Thông tư 15/2024/TT-NHNN)
Quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán từ 01/7/2024
Quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán được quy định cụ thể tại Điều 16 Thông tư 15/2024/TT-NHNN bao gồm:
- Được lựa chọn sử dụng dịch vụ thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; được quyền yêu cầu và nhận thông báo, hướng dẫn và cảnh báo từ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để nhận biết và phòng tránh rủi ro khi sử dụng dịch vụ thanh toán.
- Được thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng dịch vụ thanh toán phù hợp với các quy định của pháp luật.
- Được yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về việc thực hiện các dịch vụ thanh toán theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Được khiếu nại và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phục vụ mình bồi thường thiệt hại khi: tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện giao dịch thanh toán chậm so với thỏa thuận, không thực hiện giao dịch thanh toán hoặc thực hiện giao dịch thanh toán không khớp đúng với lệnh thanh toán, thu phí dịch vụ thanh toán không đúng loại phí hoặc mức phí mà tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã công bố và các vi phạm khác trong thỏa thuận.
- Thực hiện các quyền khác theo quy định tại Thông tư 15/2024/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.