Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị cấp bình chữa cháy cho hộ nghèo
Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho rằng gia đình khó khăn phải lo toan cơm áo, chính quyền cần bỏ kinh phí hỗ trợ bình chữa cháy.
Chiều 3/7, HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên chất vấn về một số vấn đề cử tri quan tâm. Đại biểu Duy Hoàng Dương (Trưởng ban Pháp chế) nói sau vụ cháy khiến 56 người chết ở quận Thanh Xuân, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết về tăng cường phòng cháy chữa cháy. Thành phố yêu cầu 100% hộ gia đình phải có bình chữa cháy; 100% nhà ở, hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai. Ông Dương đề nghị lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết kết quả triển khai.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết đến nay 1,48 trên 1,7 triệu hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy, đạt 86%. Về mở lối thoát nạn thứ hai, con số là 290.000/304.700 hộ, chiếm 73%. 13/30 quận, huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu về mở lối thoát nạn thứ hai, 20/30 quận, huyện chưa hoàn thành mục tiêu 100% hộ trang bị bình chữa cháy.
Giải thích việc chưa đạt mục tiêu đề ra, lãnh đạo ngành công an cho rằng cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo, còn coi công tác phòng cháy chữa cháy là của riêng công an. Nhận thức về phòng cháy của chủ hộ còn hạn chế, chủ quan. Nhiều người đặt mục tiêu sản xuất kinh tế lên trên hết mà không đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, "ăn chẳng đủ thì sao tính đến việc mua bình chữa cháy". Vì vậy, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị chính quyền cấp huyện, xã căn cứ điều kiện thực tế hoặc nguồn xã hội hóa để mua sắm, cấp phát bình chữa cháy cho gia đình khó khăn.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong
Về thực trạng cháy thời gian qua, Giám đốc Công an Hà Nội đánh giá quy hoạch, phát triển hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển của kinh tế xã hội. Nhiều ngõ nhỏ phố nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận, hệ thống cấp nước cũng không thể vươn sâu vào các khu vực này.
Thời gian tới, Công an thành phố sẽ đôn đốc các cơ sở hoàn thành cam kết khắc phục theo lộ trình, khái toán kinh phí thực hiện. Sở ban ngành thành phố phải chỉ đạo dứt điểm, khắc phục ngay tồn tại về phòng cháy và cứu hộ của đơn vị.
Ngày 2/7, HĐND TP Hà Nội biểu quyết Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030. TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi hộ có một người tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Ngoài ra, đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng.
Đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200 m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước. Thành phố cũng dự kiến hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng.
Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng 26.300 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố khoảng 13.800 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.
Thống kê từ năm 2014 đến hết 2023 (chưa cập nhật vụ cháy lớn từ đầu năm 2024 đến nay), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy làm 202 người chết, 271 người bị thương. Tháng 9/2023, chung cư mini ở Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Hôm 24/5 vừa qua, hỏa hoạn trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) làm 14 người chết, 6 người bị thương. Hai vụ đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng phòng cháy khó tiếp cận.