Nam sinh 11 tuổi ở Tuyên Quang phải đi cấp cứu với vết thương vùng kín nặng nề do tai nạn không ngờ tới
Nam sinh 11 tuổi được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương do bỏng điện nặng, đặc biệt ở tay, chân và bộ phận sinh dục.
Nam sinh phải đi cấp cứu do bỏng điện nặng
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh viện này mới tiếp nhận cấp cứu cho nam sinh 11 tuổi trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương do bỏng điện nặng.
Trưa ngày 1/7, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhi H.K.K (11 tuổi) trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương do bỏng điện độ 2-3, vùng bụng, lưng, chân, tay 2 bên và bộ phận sinh dục, chiếm khoảng 72% diện tích cơ thể.
Được biết, bệnh nhi đang ngồi câu cá, khi giật cần câu vô tình vướng vào dây điện cao thế khiến điện phóng ra gây bỏng. Sau tai nạn bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Chiêm Hóa để sơ cấp cứu ban đầu sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi nhanh chóng được thăm khám tận tình, điều trị tích cực dùng các biện pháp bù dịch, chống sốc, giảm đau, kháng sinh chống nhiễm khuẩn… Kíp trực đã mời hội chẩn với các bác sỹ khoa Chấn thương chỉnh hình và được lãnh đạo bệnh viện nhất trí chuyển bệnh nhi về Bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị bỏng chuyên sâu, ngay trong buổi chiều cùng ngày.
BS Đào Ngọc Việt (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) khuyến cáo: Người dân nên chú ý quan sát và tránh xa các dây điện, đặc biệt là đường dây điện trần và dây điện cao thế, để không bị điện giật.
Việc xử lý cấp cứu người bị điện giật ban đầu nhanh, đúng, hiệu quả sẽ góp phần làm tăng khả năng cứu sống nạn nhân và làm giảm nguy cơ di chứng tàn phế cho nạn nhân.
Một số phương pháp cấp cứu đúng cách khi bị bỏng điện
Theo BS Đào Ngọc Việt, khi thấy người bị bỏng điện cần thực hiện các phương pháp sau:
- Khi thấy nạn nhân bị điện giật, gia đình hoặc người xung quanh cần xử trí nhanh: Dùng vật cách điện như cây khô, đồ nhựa, mũ... tách dòng điện ra khỏi nạn nhân hoặc ngắt cầu dao điện, rút chui điện… sau đó nhận định tình trạng và xử trí cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân.
- Nếu nạn nhân ngừng tuần hoàn (ngừng thở, ngừng tim...): Đặt nạn nhân nằm ngửa chỗ khô ráo thoáng khí, sau đó nới rộng quần áo, dây thắt lưng, tiến hành lấy đờm nhớt trong miệng nạn nhân ra và hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Nếu nạn nhân có nhịp tim trở lại nhanh chóng đưa đi cấp cứu ở cở sở y tế gần nhất.
- Trường hợp nạn nhân tỉnh: Cần chuyển nạn nhân đến nơi khô ráo, thoáng khí, để nạn nhân tự hồi tỉnh, sau đó giữ ấm cho nạn nhân và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Người xung quanh nạn nhân lưu ý, trong quá trình cấp cứu người bị điện giật cần bình tĩnh, không nên hốt hoảng; Không nên tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nếu chưa đảm bảo được cách điện an toàn; Không nên cạo gió, thoa dầu mỡ vào nạn nhân; Không được đổ nước, đắp bùn… đặc biệt không nên sử dụng thuốc nam đắp vào vết bỏng của nạn nhân.
Bỏng điện là gì?
Bỏng điện là tình trạng bỏng da xảy ra khi dòng điện tiếp xúc với cơ thể. Khi điện tiếp xúc với cơ thể bạn, nó có thể đi qua cơ thể bạn. Khi điều này xảy ra, điện có thể làm hỏng các mô và cơ quan.
Bỏng điện có thể nhẹ hoặc cũng có thể nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Các cơ quan bị tổn thương do bỏng điện:
Tim: Nhịp tim trở nên bất thường, cũng có thể ngừng đập.
Thận: Thận có thể ngừng hoạt động.
Xương và cơ bắp: Nếu các cơ bị tổn thương nghiêm trọng, các chất từ bên trong các tế bào cơ bị tổn thương có thể gây chảy máu. Tình trạng này được gọi là tiêu cơ vân. Trong một số trường hợp, bỏng điện có thể gây thương tích cho các cơ quan khác. Một số đối tượng có thể có sự tích tụ bất thường bởi áp lực trong một nhóm cơ, được gọi là hội chứng khoang cấp tính
Hệ thần kinh: Người bị bỏng điện có thể bị bất tỉnh, yếu cơ hoặc tổn thương mắt hoặc tai.