Tòa bác kháng cáo của khách hàng vụ mất hơn 11 tỉ đồng vì làm theo kẻ gian

04/07/2024 10:00

Nữ khách hàng mở tài khoản ngân hàng và cài đặt phần mềm theo hướng dẫn của kẻ gian và sau đó mất hơn 11 tỉ đồng trong tài khoản.

Ngày 3-7, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ bà Trần Thị Chúc (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) kiện một ngân hàng liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo nội dung vụ án, tháng 4-2022, bà Chúc đến một ngân hàng để mở tài khoản, sau đó cùng người nhà chuyển hơn 11,9 tỉ đồng vào tài khoản song không nhận được tin nhắn báo biến động số dư. Ba hôm sau, đến ngân hàng kiểm tra, bà được thông báo số dư chỉ còn hơn 100 ngàn đồng.

Bà Chúc làm đơn trình báo công an. Cụ thể, có hai người tự xưng cán bộ công an gọi điện thoại nói bà bị cáo buộc gây tai nạn giao thông, liên quan mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu phải mở tài khoản tại hai ngân hàng (bị đơn và một ngân hàng khác), chuyển tổng hơn 26,5 tỉ đồng. Bà được yêu cầu cài phần mềm bảo mật để "chứng minh tiền trong sạch"; mua điện thoại khác để liên lạc qua Viber.

Công an tiến hành điều tra xác định phần mềm này có thể can thiệp, xử lý và thay đổi nhiều thông tin như vị trí, lịch sử, danh bạ, tin nhắn... nhưng sau đó, vụ việc được cơ quan công an đình chỉ.

Bà Chúc khởi kiện đề nghị tòa buộc bị đơn phải trả tiền cho bà. Bản án sơ thẩm cho rằng lỗi trực tiếp mất tiền thuộc về bà Chúc, nhưng nhân viên ngân hàng cũng có lỗi khi không hướng dẫn bà tiếp cận văn bản trước và trong quá trình ký hợp đồng mở tài khoản. Tòa sơ thẩm buộc ngân hàng bồi thường cho bà Chúc 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, cả bà Chúc và phía bị đơn đều không đồng ý nên kháng cáo. VKSND TP Từ Sơn có kháng nghị, cho rằng buộc ngân hàng bồi thường là không đúng.

Tại cấp tòa phúc thẩm, bà Trần Thị Chúc giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa buộc ngân hàng bồi thường với lý do, nhân viên ngân hàng không hướng dẫn, tư vấn cho bà các thông tin bảo mật và khi bà bị mất tiền, ngân hàng không có biện pháp báo cáo để Ngân hàng Nhà nước kịp thời ngăn chặn kẻ lừa đảo tẩu tán số tiền chiếm đoạt.

Về phía ngân hàng, đơn vị này cho rằng đã niêm yết mẫu hợp đồng chung về mở tài khoản và các quy định sử dụng tài khoản tại sảnh chính, cửa ra vào, video trình chiếu cũng thể hiện rõ.

Nhân viên ngân hàng cũng cảnh báo, tư vấn đầy đủ; chữ ký của bà Chúc trong hợp đồng thể hiện bà được ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin, đã đọc, hiểu rõ, đồng ý và cam kết thực hiện. Nếu bà Chúc không đọc nhưng vẫn ký thì đó là lỗi của bà Chúc.

Ở phiên sơ thẩm, bà Chúc có lời khai sau khi mất tiền đã "hoảng loạn quá, không đưa ra yêu cầu gì với ngân hàng". Do vậy, việc bà cáo buộc ngân hàng không phản ứng kịp thời, không có biện pháp giảm thiệt hại là không đúng bởi bà không yêu cầu, ngân hàng không thể thực hiện.

Phía bà Chúc dẫn mốc thời gian trên video của ngân hàng, cho thấy toàn bộ quá trình tư vấn thủ tục mở tài khoản "chỉ khoảng 4 phút", nhân viên tư vấn quy định và khuyến cáo bảo mật cho khách như thế nào trong khi riêng 4 điều khoản trên website ngân hàng đã rất dài, hàng chục trang giấy. Nhân viên quầy có động tác "chỉ tay vào giấy" cho bà Chúc ký mà không tư vấn đầy đủ.

Sau nghị án, tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của VKS. HĐXX cho rằng bà Chúc nghe theo hai kẻ không quen biết, mở tài khoản, gửi tiền, cài phần mềm khiến bị lộ thông tin dẫn tới mất tiền. Đây là lỗi của bà, không phải của bị đơn.

Trước đó, chiều 2-7, TAND tỉnh Bắc Ninh cũng bác kháng cáo của bà Chúc với bị đơn là ngân hàng còn lại.

Với phán quyết này, bà Chúc sẽ không được bồi thường 800 triệu đồng như án sơ thẩm đã tuyên.