Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 01/7/2024 với người lao động tham gia BHXH bắt buộc
Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 01/7/2024 với người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ tăng khi tăng lương cơ sở lên 2.34 triệu đồng/tháng.
Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 01/7/2024 với người lao động tham gia BHXH bắt buộc (Hình từ internet)
1. Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau từ 01/7/2024
- Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
+ Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
+ Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
- Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau từ ngày 01/7/2024 là 702,000 đồng/ngày (trước ngày 01/7/2024 là 540,000 đồng/ngày).
(Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
2. Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 01/7/2024
- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau từ ngày 01/7/2024 là 702,000 đồng/ngày (trước ngày 01/7/2024 là 540,000 đồng/ngày).
(Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
3. Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Như vậy, mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật từ ngày 01/7/2024 như sau:
- Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình là 585,000 đồng/ngày (trước ngày 01/7/2024 là 450,000 đồng/ngày)
- Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung là 936,000 đồng/ngày (trước ngày 01/7/2024 là 720,000 đồng/ngày)
(Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)