Tắc ống xả nguy hiểm thế nào đến vận hành ô tô?
Ống xả ô tô là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ xử lý khí thải cho xe.
Sau một thời gian sử dụng có thể xảy ra tình trạng tắc ống xả ô tô làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của xe và có thể khiến động cơ chết máy.
Ống xả xe ô tô là một bộ phận quan trọng của xe. Nếu gặp trục trặc, bộ phận này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ xe.
Nguyên nhân gây tắc ống xả ô tô
Cụm ống dẫn khí thải bị móp méo
Nguyên nhân gây tắc ống xả ô tô thường gặp là ống xả xe bị móp méo do va đập mạnh. Tình trạng này khiến đường thoát khí thải ra ngoài bị hạn chế, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ống xả.
Chủ phương tiện có thể kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống xả bằng dụng cụ đo chân không. Đường ống xả xe ô tô bị tắc nếu độ chân không thấp và giảm dần khi động cơ làm việc.
Khi tắc ống xả ô tô do móp méo, chủ xe nên đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng hoặc sửa chữa ô tô để được tư vấn và khắc phục kịp thời, tránh gây ảnh hưởng lên các bộ phận khác.
Hư hỏng bộ chuyển đổi xúc tác
Đây là bộ phận có nhiệm vụ làm giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Lượng khí thải bị ứ đọng trong bộ phận này sau thời gian dài sử dụng không được bảo dưỡng, vệ sinh sẽ có thể bị tắc nghẽn.
Trường hợp bộ chuyển đổi xúc tác bị tắc sẽ hình thành dòng áp lực trên đường thải và dội ngược trở lại buồng đốt. Lúc này, động cơ phải tiêu tốn nhiều năng lượng để đẩy khí thải ra ngoài. Điều này tác động xấu đến xe và có thể xảy ra trường hợp dòng lực ngược lại buồng cháy gây mất công suất động cơ máy.
Khả năng lưu thông của khí xả qua bộ chuyển đổi xúc tác cũng giảm đi đáng kể nếu bộ xúc tác quá nhiệt bị nóng chảy ở bên trong. Do đó, chủ phương tiện cần kiểm tra bộ xúc tác bằng cách tháo đoạn đầu ống xả để kiểm tra. Nếu động cơ làm việc tốt thì bộ chuyển đổi xúc tác chính là nguyên nhân gây tắc ống xả ô tô.
Chất bẩn rơi vào
Ống xả xe ô tô còn có thể bị cặn, bẩn bám hoặc rơi vào khiến tắc ống xả. Trường hợp này hiếm xảy ra hơn do trong ống xả luôn có khí đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, tắc ống xả ô tô do chất bẩn rơi vào có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới động cơ xe như không thể khởi động được hoặc đột ngột chết máy.
Tắc ống xả nguy hiểm thế nào?
Việc ống xả xe ô tô bị tắc có thể dẫn đến những tác động xấu như làm tổn hao công suất của động cơ, nghiêm trọng hơn là làm xe bị chết máy.
Công suất hoạt động thấp: Không thể tăng tốc khi nhấn ga hoặc quá trình tăng tốc diễn ra chậm hơn bình thường chính là dấu hiệu cho thấy khí thải bị giữ lại phía trước bộ chuyển đổi xúc tác.
Động cơ quá nóng: Khi hệ thống xả bị tắc nghẽn, khí thải nóng có thể bị tắc bên trong động cơ khiến động cơ nóng lên. Động cơ nóng quá mức có thể khiến động cơ bị hỏng hoàn toàn và không thể sửa chữa được.
Khó khởi động: Xe ô tô có thể gặp khó khăn trong việc khởi động nếu hệ thống ống xả xe ô tô bị tắc. Khí thải không thể thoát ra khỏi ống xả ảnh hưởng đến độ êm ái của động cơ xe khi khởi động.
Có mùi hôi khi xe chạy: Mùi hôi hoặc mùi khí gas rò rỉ có thể là dấu hiệu cho thấy xe ô tô đang gặp vấn đề với hệ thống ống xả. Hệ thống xả bị tắc do hỏng bộ chuyển đổi xúc tác có thể tạo ra mùi lưu huỳnh khó ngửi. Nếu nhận thấy mùi hôi khi xe đang di chuyển, chủ xe nên kiểm tra hệ thống ống xả của xe có bị tắc nghẽn hay không.
Tiêu hao nhiều nhiên liệu: Ngoài việc đảm bảo an toàn khi di chuyển, chủ xe cần khắc phục vấn đề hệ thống ống xả bị tắc bởi chúng đốt cháy nhiên liệu nhanh hơn bình thường. Khi xe có dấu hiệu tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn bình thường, có thể ống xả xe ô tô bị tắc nghẽn.
Nếu không sửa chữa kịp thời các vấn đề về hệ thống ống xả, chủ xe sẽ tốn kém một khoản phí do xe giảm hiệu suất tiết kiệm nhiên liệu.
Cháy động cơ ô tô: Đây là dấu hiệu hiếm gặp khi tắc ống xả ô tô. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn có thể xảy ra. Do đó, chủ phương tiện cần lưu ý đến động cơ đánh lửa và tìm hiểu thêm để phát hiện lỗi hệ thống xả bị tắc.
Gây nhiều tiếng ồn: Miếng đệm ống xả xe bị hỏng sẽ phát ra những tiếng rít hoặc tiếng gõ do khí bị rò rỉ. Âm thanh này thậm chí phát ra to hơn khi xe tăng tốc. Khói độc có thể rò rỉ vào khoang xe nếu hệ thống ống xả bị tắc.
Do đó, chủ xe cần nhanh chóng kiểm tra hệ thống xả của ô tô khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào ở trên.
Cách xử lý khi tắc ống xả ô tô
Nếu gặp phải tình trạng ống xả trên xe ô tô bị tắc cần nhanh chóng xử lý để tránh gây nhiều hư hại cho hệ thống động cơ.
Trường hợp bộ chuyển đổi chất xúc tác trên ô tô chỉ bị tắc ở mức độ vừa phải, chủ phương tiện có thể loại bỏ phần lớn cặn bẩn tích tụ bằng cách làm sạch ống xả. Tuy nhiên, chủ phương tiện lưu ý nên sử dụng chất tẩy rửa bộ chuyển đổi xúc tác phù hợp với hệ thống xả của ô tô.
Bước 1: Kiểm tra mức nhiên liệu của ô tô. Để làm sạch sâu bộ chuyển đổi xúc tác cần khoảng 15 lít nhiên liệu trong bình. Kiểm tra hướng dẫn trên bộ làm sạch bộ chuyển đổi xúc tác để đảm bảo sử dụng đúng tỷ lệ nhiên liệu và chất làm sạch.
Bước 2: Đổ dung dịch làm sạch bộ chuyển đổi xúc tác vào bình xăng.
Bước 3: Khởi động và lái xe trong thời gian 30 phút để dung dịch tẩy rửa chuyên dụng có thể lưu thông xung quanh và làm sạch hệ thống xả. Người lái cần lái xe ở tốc độ 2500 vòng/phút trở lên.
Sau 30 phút lái xe, xe sẽ hoạt động như bình thường, không gặp vấn đề khi tăng tốc, không có âm thanh hoặc mùi lạ, động cơ hoạt động trơn tru.
Trường hợp dung dịch làm sạch bộ chuyển đổi xúc tác không hoạt động, chủ xe cần phải tháo bộ chuyển đổi để làm sạch hoàn toàn.
Bước 1: Nếu đang lái xe, hãy chờ động cơ nguội hoàn toàn. Sau đó, kích xe lên và duy trì trạng thái này trong suốt thời gian sửa chữa.
Bước 2: Xác định vị trí và loại bỏ các cảm biến oxy.
Bước 3: Sử dụng dầu thấm để nới lỏng bu lông giữ bộ chuyển đổi xúc tác. Tháo bộ chuyển đổi xúc tác.
Bước 4: Kiểm tra bộ chuyển đổi xúc tác để đảm bảo không có âm thanh lạch cạch phát ra. Nếu có âm thanh phát ra, bộ chuyển đổi xúc tác đã bị hỏng. Nếu không có vấn đề gì, hãy tiếp tục quá trình làm sạch bộ phận này.
Bước 5: Sử dụng máy rửa ở chế độ thấp và làm sạch bên trong bộ chuyển đổi xúc tác.
Bước 6: Đổ đầy nước nóng vào một thùng chứa lớn, thêm chất tẩy dầu mỡ và nhúng bộ chuyển đổi xúc tác vào.
Bước 7: Sau khi ngâm bộ chuyển đổi xúc tác, rửa sạch lại bằng máy rửa và xả hết nước ra khỏi bộ phận này và để khô.
Bước 8: Lắp bộ phận này vào xe, lắp bộ cảm biến oxy và hạ xe xuống.
Việc vệ sinh hệ thống xả trên xe ô tô cần thực hiện cẩn thận, đúng cách để không gây hư hại cho ống xả. Tốt nhất chủ phương tiện nên đem xe đến các trung tâm bảo dưỡng để được xử lý.