Mức tiền lương của đại biểu Hội đồng nhân dân khi tăng lương cơ sở 2,34
Dưới đây là mức tiền lương của đại biểu Hội đồng nhân dân từ ngày 01/7/2024 theo mức lương cơ sở mới.
Mức tiền lương của đại biểu Hội đồng nhân dân khi tăng lương cơ sở 2,34 (Hình từ internet)
1. Hội đồng nhân dân là gì?
Theo quy định tại Điều 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi bởi Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019), Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
- Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.
- Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.
Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
- Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Hội đồng nhân dân là cơ quan do cử tri ở địa phương bầu ra, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Mức tiền lương của đại biểu Hội đồng nhân dân khi tăng lương cơ sở 2,34
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ 01/7/2024, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về tiền lương của đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức 2008 được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân:
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 0,10 mức lương cơ sở/ngày;
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 0,12 mức lương cơ sở/ngày;
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: 0,14 mức lương cơ sở/ngày;
Như vậy, từ ngày 01/7/2024, mức lương của đại biểu Hội đồng nhân dân khi tăng lương cơ sở 2,34 triệu được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 234.000 đồng/ngày;
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 280.800 đồng/ngày;
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: 327.600 đồng/ngày;
3. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân
Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được bổ sung bởi Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019), cụ thể:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.