Năm 2024, đã có việc làm nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, có bị xử phạt?

08/07/2024 14:37

Nếu bị phát hiện đã có việc làm nhưng không khai báo để tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị xử phạt như thế nào?

1. Năm 2024, đã có việc làm nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, có bị xử phạt?

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp:

- Có việc làm.

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

- Hưởng lương hưu hằng tháng.

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Ngoài bị xử phạt với số tiền nên trên, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm.

(Căn cứ điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Tổng hợp biểu mẫu về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất

không thông báo có việc làm

Năm 2024, đã có việc làm nhưng không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm, NLĐ có thể bị xử phạt đến 2 triệu đồng (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Người lao động đang trong giai đoạn thử việc có bị chấm dứt nhận trợ cấp thất nghiệp không?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP), người lao động có việc làm sẽ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

 (ii) Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm.

(iii) Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh.

(iv) Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

Theo đó, trường hợp người lao động đang trong thời gian thử việc không được xem là có việc làm. Người lao động sẽ không bị chấm dứt nhận trợ cấp thất nghiệp khi đang thử việc.

3. Người lao động có việc làm được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ khoản 5 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP), người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Trường hợp người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm nhưng không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm thì sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng.