Nới lỏng giá trần vé máy bay: Ai lợi, ai thiệt?

11/07/2022 15:58

PLBĐ - Trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng cao, các hãng hàng không đều cho rằng cần phải nới hoặc gỡ bỏ giá trần vé máy bay.

Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) mới đây đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về việc rà soát tiết giảm chi phí, đề xuất các giải pháp về giảm chi phí cho ngành hàng không, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không. Liên quan đến việc điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, Cục HKVN đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Như vậy từ đầu năm 2022 đến nay, Cục HKVN đã 3 lần đưa ra đề xuất nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn sau khi nhận được báo cáo của các đơn vị cung cấp xăng dầu và các hãng hàng không về sức ép chi phí giá nhiên liệu tăng cao.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 1/7/2022, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực Châu Á đã lên tới 153,59 USD/thùng và dự báo giá bình quân năm nay đạt mức 143,4 USD/thùng.

Với đặc thù của ngành hành không là thực hiện cơ chế giá vé linh hoạt, với nhiều dải giá từ mức thấp đến cao tùy thuộc điều kiện vé, thời điểm xuất vé và điều kiện thị trường, Cục HKVN cho rằng đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa là phù hợp. 

Theo lãnh đạo Cục HKVN, với mức giá dầu Jet A1 và trần giá vé như hiện nay, không hãng hàng không nào cân đối được chi phí, kể cả các hãng hoạt động theo mô hình chi phí thấp.

Quy định về giá trần máy bay được Bộ Giao thông Vận tải ban hành trong Thông tư số 17 năm 2019, với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tiếp tục được giữ nguyên theo mức quy định năm 2015. Theo các doanh nghiệp, mức giá trần này không còn phù hợp.

Nới lỏng giá trần vé máy bay: Ai lợi, ai thiệt? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia giao thông nhận định, với đề xuất nới lỏng cơ chế giá trần nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bứt tốc phục hồi về mức trước dịch COVID-19. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, nên bỏ hẳn cơ chế giá trần vốn đã trở nên lạc hậu và tạo ra cơ chế thị trường, môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không. Qua đó, nên áp dụng quy định pháp luật để quản lý vấn đề này thay vì cơ chế giá trần. Nếu sau khi bỏ giá trần mà giá vé máy bay tăng cao một cách vô lý thì hành khách sẽ chọn di chuyển bằng cách khác, hoặc đi du lịch ở nơi khác.

TS. Lê Đăng Doanh cũng đồng tình với việc nên điều chỉnh giá trần vé máy bay cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa sẽ góp phần hạn chế tăng giá vé. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá vé rẻ kích cầu.

Theo dõi trên website cũng như tại phòng vé của các hãng bay nội địa cho thấy, nhiều chặng bay đến điểm du lịch thời gian từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8/2022 có giá vé tăng mạnh. Trong đó, chặng bay trục Hà Nội - TP. HCM, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Phú Quốc đều tăng 20 - 30% so với tháng trước.

Theo lý giải của một số đại lý, giá vé bay tăng cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, giá vé cao chủ yếu là nhu cầu đi lại của hành khách tăng mạnh sau dịch COVID-19 và giá nhiên liệu đắt đỏ. Đáng chú ý, dù giá vé cao ngất nhưng hầu hết các hãng hàng không cho biết đang đứng trước nguy cơ mất hàng nghìn tỷ đồng do giá xăng dầu liên tục lập đỉnh.

T.H (th)