Người đàn ông 59 tuổi bị ung thư lưỡi thừa nhận có 2 thói quen nhiều người Việt mắc phải
Người đàn ông bị ung thư lưỡi thừa nhận thường xuyên hút thuốc. Mỗi ngày ông hút ít nhất 4 bao thuốc lá và kèm theo thói quen uống rượu.
Ung thư lưỡi bắt đầu từ vết loét ở lưỡi
Nửa năm trước, ông Văn (59 tuổi, Trung Quốc) có vết loét ở lưỡi, tuy hơi đau nhưng ông cho rằng vết loét ở miệng sẽ tự lành, không đau lắm nên không để ý nhiều. Không ngờ vết loét kéo dài đến nửa năm thay vì thuyên giảm lại càng ngày càng lớn.
Do không chịu được, ông đã đến Khoa Nha khoa của Bệnh viện Nhân dân quận Tương Châu (Trung Quốc) khám.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra và phát hiện khối u đã xâm lấn lưỡi trên một diện tích lớn (4x3cm), có kích thước tương đương một quả bóng bàn và cần phải phẫu thuật.
Ông Văn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy. Ca phẫu thuật đòi hỏi phải cắt bỏ khối u trên lưỡi trên diện rộng, diện tích cắt chiếm tới 1/2 thân lưỡi và một phần tổn thương sàn miệng. Sau 10 giờ, ca phẫu thuật đã thành công.
Tìm hiểu bệnh sử, được biết, người bệnh hút ít nhất 4 bao thuốc lá mỗi ngày và uống rượu mỗi ngày. Thói quen này đã kéo dài nhiều năm. Hút thuốc và uống rượu hàng ngày, vết loét miệng lâu ngày không lành là nguyên nhân chính khiến ông Văn bị ung thư.
Vào ngày 5/7 vừa qua, ông Văn đã được phẫu thuật tái tạo lưỡi, đang được thực hiện các chức năng nói, nuốt, nhai và các chức năng khác dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ung thư lưỡi: 80% do hút thuốc lá, uống rượu bia
Ung thư lưỡi là tình trạng tế bào bất thường, phân chia và phát triển không kiểm soát dẫn đến u hoặc vết loét không lành. Gần 90% bệnh ung thư lưỡi là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Tế bào vảy là tế bào phẳng giống tế bào da, bao phủ niêm mạc miệng, mũi, thanh quản, tuyến giáp và họng.
Ung thư lưỡi thuộc nhóm ung thư hốc miệng và vòm họng, phổ biến thứ 6 trên thế giới. Mỗi năm, có khoảng 263.900 trường hợp mới và 128.000 ca tử vong do ung thư môi và khoang miệng. Tại Việt Nam, ung thư lưỡi ngày càng gia tăng, chủ yếu ở nam giới sau 50 tuổi.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư lưỡi: hút thuốc lá, uống rượu bia, vệ sinh răng miệng kém, tiếp xúc với virus HPV. Trong đó, hút thuốc lá, uống rượu bia chiếm đến 80%. Trường hợpbệnh nhân trên thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia có thể là nguyên nhân.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi
Giai đoạn đầu ung thư lưỡi thường không rõ ràng, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khoang miệng khác. Một số dấu hiệu có thể gặp của ung thư lưỡi là:
- Đau họng, cảm giác có thứ gì đó mắc trong họng.
- Xuất hiện vết loét lâu lành ở lưỡi.
- Có mảng đỏ hoặc trắng trên lưỡi nhưng không mất đi theo thời gian.
- Có cảm giác tê trong miệng.
- Có cảm giác đau và bỏng rát ở vùng lưỡi.
- Đột nhiên phát hiện ra máu chảy từ lưỡi nhưng không có nguyên nhân nào tác động.
- Xuất hiện u cục bất thường ở vùng lưỡi sờ vào cứng, đau, không biến mất trong thời gian dài.
Các dấu hiệu ở lưỡi, cần được khám sớm
Nếu có tình trạng viêm loét, u sùi, đau nhức hoặc chảy máu nhưng không khỏi trong vòng 2 tuần, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, nếu có các biểu hiện như ăn uống không ngon miệng, nuốt nghẹn, gầy sút nhanh (lớn hơn 6kg/tháng) bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân sớm nhất.
6 cách phòng ngừa ung thư lưỡi
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, nếu có thì nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt.
- Hạn chế tối đa uống các thức uống có cồn.
- Tiêm đầy đủ vaccine HPV và thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: cung cấp nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, nên sử dụng nước súc miệng để loại bỏ nhiều hơn các virus, vi khuẩn.
- Khám răng, miệng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn.