Đề xuất bỏ dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam
Bộ Công an đề xuất về việc bỏ dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu đường hàng không, cửa khẩu biên giới đất liền.
Đề xuất bỏ dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam (Hình từ Internet)
Đề xuất bỏ dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 74/2020/TT-BCA quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu. Trong đó đề xuất về việc bỏ dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu đường hàng không, cửa khẩu biên giới đất liền, cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư 74/2020/TT-BCA về nhiệm vụ của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh như sau: “Đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu cảng. Đối với cửa khẩu đường hàng không, cửa khẩu biên giới đất liền, đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh khi công dân Việt Nam đề nghị”.
Cục quản lý xuất nhập cảnh cho rằng, một số quy định trong Thông tư 74/2020/TT-BCA cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
- Một là, hệ thống cổng kiểm soát tự động đã được triển khai tại tất cả các cửa khẩu đường hàng không lớn và một số cửa khẩu biên giới đất liền. Theo Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 3086/QĐ-BCA ngày 17/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an về kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động cho tất cả các loại hình cửa khẩu đường hàng không, biên giới đất liền, cảng biển, hành khách khi xuất nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động sẽ không đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh.
Do đó việc quản lý hành trình xuất nhập cảnh của hành khách của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc xác định dấu kiểm chứng tại giấy tờ xuất nhập cảnh không còn phát huy nhiều giá trị quản lý.
- Hai là, năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay có thể bỏ khâu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an đang hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, trong đó có dữ liệu công dân Việt Nam khi xuất cảnh, nhập cảnh tại tất cả các loại hình cửa khẩu (đường hàng không, đường bộ, đường biển). Trường hợp cần xác minh, kiểm tra hành trình xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam để phục vụ công tác hoặc theo yêu cầu của các Bộ, ngành, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tra cứu thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Do đó, việc đối chiếu, kiểm tra dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh tại hộ chiếu của công dân Việt Nam để xác minh hành trình của hành khách qua đóng dấu trên hộ chiếu không còn thực sự cần thiết.
- Ba là, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang triển khai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác kiểm soát xuất nhập cảnh trong thời gian vừa qua đã dần thay thế vai trò của dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh như: (1) triển khai cổng kiểm soát tự động; (2) hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; (3) nghiên cứu việc kết nối dữ liệu xuất nhập cảnh của từng công dân vào ứng dụng VneID, trong đó, nghiên cứu trang bị tính năng công dân có thể tự chứng minh hành trình xuất nhập cảnh của bản thân qua ứng dụng VNeID.
Qua lấy ý kiến một số Bộ, ngành liên quan, các Bộ thống nhất phương án bỏ đóng dấu kiểm chứng đối với công dân Việt Nam và cho rằng đề xuất này là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về cải cách hành chính, là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO tại Phụ ước 9 (Công ước Chicago), phù hợp xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh hiện đang được một số nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.
Việc bỏ dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam góp phần cải cách hành chính, giảm thao tác kiểm soát cho Kiểm soát viên tại cửa khẩu; thống nhất hình thức không đóng dấu kiểm chứng ở bục kiểm soát xuất nhập cảnh thủ công với kiểm soát xuất nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động; giảm đáng kể chi phí liên quan đến công tác kiểm soát xuất nhập cảnh (chi phí mực dấu, chi phí sửa chữa, thay thế dấu kiểm chứng… là loại dấu bảo an đặc thù có chi phí sản xuất cao). Trong dài hạn, khi Việt Nam ký kết Điều ước quốc tế với một số nước về việc cho phép công dân Việt Nam có thể sử dụng căn cước công dân để xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu, việc bỏ đóng dấu kiểm chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hình thức xuất nhập cảnh trên.
Từ những căn cứ trên, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 74/2020/TT-BCA là cần thiết và phù hợp với các quy định hiện hành, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác kiểm soát xuất nhập cảnh.
Trần Trọng Tín