03 chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Bài viết cung cấp nội dung chi tiết về chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
03 chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Hình từ internet)
Ngày 06/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
03 chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất mục đích xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Trong đó, cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật. Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:
- Đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ về sự cần thiết bổ sung chức vụ của sĩ quan là cấp phó vào hệ thống chức vụ cơ bản của sĩ quan quân đội; quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy.
- Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, cần tính đến các trường hợp nhân tài đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút, “giữ chân” nhân tài phù hợp với đặc thù của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
- Một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan (như phong quân hàm của học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ): Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai,...).
Tiêu chuẩn của Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Tiêu chuẩn của sĩ quan quân đội được quy định tại Điều 12 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam 1999, cụ thể như sau:
(1) Tiêu chuẩn chung:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao;
- Có phẩm chất đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; được quần chúng tín nhiệm;
- Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân; có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ;
- Có lý lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.
(2) Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức vụ của sĩ quan do cấp có thẩm quyền quy định.