Mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản

10/07/2024 07:58

Bài viết sau đây cung cấp quy định mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

Mức xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản

Mức xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản (Hình từ Internet)

1. Mức xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 38/2024/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản như sau:

- Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

+ Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản cho tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thuỷ sản hết hạn;

+ Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;

+ Không có hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

+ Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.

- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

+ Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu cá được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

+ Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

+ Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

+ Không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi không chính xác so với yêu cầu của Tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai quy định của Tổ chức nghề cá khu vực khi hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

+ Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

- Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

+ Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn;

+ Sử dụng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn;

+ Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

+ Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

+ Khai thác thủy sản không đúng quy định tại vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

+ Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm;

+ Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1, các điểm a, b, c và e khoản 2, các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 3 Điều 20 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;

+ Tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 20 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;

+ Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 20 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 và các điểm đ, e và h khoản 3 Điều 20 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 38/2024/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

2. Quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2024/NĐ-CP bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

- Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Nghị định 38/2024/NĐ-CP, bao gồm:

+ Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi 2022), Luật Đầu tư 2020 gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam;

+ Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định Luật Hợp tác 2023 xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

+ Đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

- Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình, chủ tàu cá thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

Nguyễn Linh Đa