Bệnh bạch hầu là gì? Công ty có bắt buộc phải tổ chức xét nghiệm bệnh bạch hầu cho nhân viên?
Bệnh bạch hầu là bệnh gì? Trước tình hình bùng phát của bệnh bạch hầu thời điểm này, công ty có bắt buộc phải tổ chức xét nghiệm bệnh bạch hầu cho nhân viên hay không?
1. Bệnh bạch hầu là gì? Công ty có bắt buộc phải tổ chức xét nghiệm bệnh bạch hầu cho nhân viên?
1.1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bạch hầu (tên tiếng anh là Diphtheria) là một loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục và có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.
1.2. Công ty có bắt buộc phải tổ chức xét nghiệm bệnh bạch hầu cho nhân viên?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, thì hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Theo như quy định nêu trên thì hằng năm công ty phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho nhân viên, đối với những nhân viên làm công việc nặng nhọc độc hại là ít nhất 2 lần một năm. Do đó, không có quy định đối với việc tổ chức xét nghiệm bệnh bạch hầu cho nhân viên nên công ty không bắt buộc phải tổ chức xét nghiệm cho nhân viên về loại bệnh này. Tuy nhiên trong tình trạng bệnh bạch hầu đang được phát hiện và có dấu hiệu của sự lây lan như hiện nay thì công ty có thể tổ chức xét nghiệm về bệnh bạch hầu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Công ty có bắt buộc phải tổ chức xét nghiệm bệnh bạch hầu cho nhân viên
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc
Căn cứ Điều 16 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm như sau:
- Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
- Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.
- Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
- Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.