Từ vụ người phụ nữ dùng xyanua sát hại người thân: 'Giải mã' nguồn cơn gây tội ác
Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ án xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn, xích mích giữa người thân trong gia đình dẫn đến nhiều người thương vong. Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng "đây báo hiệu những điều bất thường trong xã hội" và đưa ra các giải pháp ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra.
Đối tượng Bích dùng xyanua sát hại người thân vì mâu thuẫn.
Liên tiếp các vụ đầu độc người thân man rợ
Chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình, Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, trú tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã dùng chất độc xyanua bỏ vào vỏ thuốc con nhộng cho cháu ruột là T. (18 tuổi, trú cùng địa chỉ) uống. T. bị ngộ độc, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng hôn mê.
Bích khai do mâu thuẫn với chị dâu là mẹ của T. nên đã thực hiện hành vi đầu độc cháu. Đối tượng này còn cho biết từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024, đã dùng chất độc xyanua đầu độc 3 người thân khác trong gia đình tử vong, trong đó có chồng của Bích và 2 cháu ruột.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào năm 2022, cũng do mâu thuẫn trong gia đình, Tống Thị Tùng Linh (SN 2001, trú tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mua thuốc ngủ bỏ vào chai nước của cha để đầu độc nhưng thất bại.
Chưa dừng lại đó, Linh lên mạng tìm hiểu mua chất độc xyanua với giá 500 nghìn đồng/kg. Đối tượng này đã pha xyanua vào chai nước và để trong tủ lạnh. Sau khi ông Đ. (cha Linh) uống đã tử vong. Gây án xong, Linh tạo hiện trường giả để che giấu hành vi phạm tội...
Nhìn nhận về các vụ việc trên, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, hiện tượng người trong gia đình giết hại nhau đang diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, báo hiệu những điều bất thường trong xã hội.
"Nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh ý định phạm tội, thúc đẩy đối tượng ra tay sát hại người thân rất có thể là do những bức xúc tâm lý bị dồn nén, tích tụ từ lâu trong cuộc sống thường ngày" - TS Đào Trung Hiếu nói và cho biết thêm, có thể thấy thủ phạm thường hạ sát người thân trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bộc phát.
Theo TS Hiếu, những mâu thuẫn này có thể đến từ tranh chấp đất đai, tài sản, quyền lợi hay ghen tuông tình ái, bức xúc từ lối ứng xử bạo lực, thiếu văn hoá giữa các thành viên trong gia đình.
"Khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm mà không có cách tháo gỡ khiến đối tượng càng thấy bế tắc, chán nản... vượt quá giới hạn của sức chịu đựng, thì việc xuống tay tàn bạo với người thân của mình giống như một sự giải phóng những năng lượng tiêu cực" - TS Hiếu phân tích.
Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu.
Sự xuống cấp về đạo đức
Nhận định về nguyên nhân các vụ án nảy sinh từ mâu thuẫn trong gia đình, TS Đào Trung Hiếu cho rằng: "Không phải ai gặp phải các tình huống bất lợi như trên cũng nghĩ đến cách giải quyết là sẽ giết hại người thân của mình".
Lý giải về vấn đề này, theo ông Hiếu, thì ngoài những mâu thuẫn trong đời sống, còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc này là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của chính đối tượng gây án. Đây chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội và kế hoạch cũng như quyết tâm thực hiện tội phạm.
"Khi họ tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, có lối sống hưởng thụ, chỉ biết mình và hoàn toàn vô cảm với đúng sai sẽ sẵn sàng bất chấp luật pháp hay đạo lý miễn là bảo đảm được lợi ích của mình... Đến khi lợi ích của bản thân bị xâm hại hay không đạt được là sự tức giận trỗi dậy dẫn tới án mạng" - ông Hiếu phân tích.
Vị Tiến sĩ tội phạm học cho biết thêm, khi nhân cách đã chứa đựng những lệch lạc, gặp tình huống mâu thuẫn, cái tôi ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật đã thúc đẩy hung thủ đã chọn biện pháp bạo lực để giải tỏa những tiêu cực.
"Một khi bàn tay đã dính máu thì đối tượng lâm vào trạng thái không còn gì để mất, và việc tiếp tục giết hại những người khác là điều dễ hiểu" - ông Hiếu nhận định về các vụ thảm án.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, TS Đào Trung Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng cần phải chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình. Bởi, đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.
"Những vụ án trên cũng là hồi chuông cảnh báo chúng ta về cách xử lý, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc gia đình khéo léo, đúng mực. Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội..." - Tiến sĩ Hiếu chia sẻ.