Các trường hợp bị đánh giá ‘không đảm bảo có đạo đức nghề nghiệp’ trong bầu, bổ nhiệm nhân sự tổ chức tín dụng
Các trường hợp bị đánh giá ‘không đảm bảo có đạo đức nghề nghiệp’ trong bầu, bổ nhiệm nhân sự tổ chức tín dụng được quy định tại Thông tư 10/2024/TT-NHNN.
“Không đảm bảo có đạo đức nghề nghiệp” trong bầu, bổ nhiệm nhân sự tổ chức tín dụng (Hình từ Internet)
Các trường hợp bị đánh giá “không đảm bảo có đạo đức nghề nghiệp” trong bầu, bổ nhiệm nhân sự tổ chức tín dụng
Thông tư 10/2024/TT-NHNN được ban hành ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2018/TT-NHNN. Trong đó có việc bổ sung Điều 5a về đánh giá có đạo đức nghề nghiệp đối với nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể:
(1) Những người thuộc trường hợp sau đây được đánh giá làkhông đảm bảo có đạo đức nghề nghiệp:
- Người phải chịu trách nhiệm theo kết luận kiểm tra dẫn đến việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
- Người được nêu tên tại kết luận thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm dẫn đến việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Người bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Người phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn, phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật nêu tại kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mà kiến nghị liên quan đến các vi phạm đó chưa được cấp có thẩm quyền đánh giá đã hoàn thành việc khắc phục, chỉnh sửa.
(2) Đối với các trường hợp không thuộc mục (1): thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các quy định về quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó ban hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trừ trường hợp cấp phép mới.
Thẩm quyền chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự tổ chức tín dụng
Điều 4 Thông tư 22/2018/TT-NHNN (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 10/2024/TT-NHNN) quy định thẩm quyền chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại.
- Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp dưới đây.
- Giám đốc Ngân hàng/Nhà nước chi nhánh xem xét, chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở trên địa bàn, thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
Trần Trọng Tín