6 bước giúp nam Youtuber thoát cảnh 'vừa nhận lương đã hết tiền'
Hà NộiNgay khi có lương và thu nhập tay trái, Nam Anh thực hiện tuần tự theo 6 bước, giúp anh luôn dư 50% tiền để đầu tư, tiết kiệm.
Theo Youtuber Nam Anh (Namanhsuit), với việc học cách quản lý tài chính, tiêu xài có trách nhiệm song song đầu tư thông minh, bạn sẽ tạo ra thay đổi đáng kể sau 5-10 năm. Bản thân Nam Anh thường làm sáu bước mỗi khi nhận lương để tối ưu hóa các khoản tiết kiệm, đầu tư.
1. Ghi nhận thu nhập
Những năm trở lại đây, Nam Anh giữ thói quen ghi lại toàn bộ các khoản thu trong tháng từ lương, thu nhập tay trái đến thưởng Tết hay cổ tức đầu tư... Theo Nam Anh, thu nhập tay trái có thể là kinh doanh, tiền cho thuê nhà, công việc part-time, các dự án làm ngoài... Các khoản tiền này là số tiền thực nhận trong tài khoản sau thuế.
Anh cũng luôn ghi chép cẩn thận giao dịch phát sinh mỗi ngày để quản lý chi tiêu. Một số ứng dụng giúp quản lý chi tiêu cá nhân có ngay trên điện thoại từ App Store hoặc CH Play. Với mỗi khoản giao dịch vượt quá ngân quỹ dự trù, hệ thống sẽ cảnh báo để Nam Anh cân đo, đong đếm lại việc chi tiêu.
2. Lập ngân quỹ
Để tránh loay hoay khi tiêu tiền, Nam Anh phân bổ ngân sách hàng tháng theo công thức:
- 40% thu nhập cho chi tiêu thiết yếu (điện, nước, xăng xe, đồ ăn, thuê nhà)
- 30% cho đầu tư
- 20% cho tiết kiệm
- 10% là tiền nhàn rỗi
Tuy nhiên, Nam Anh nhận thấy nếu sống tại Hà Nội, TP HCM với chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chi phí thiết yếu có thể chiếm từ 60-70% tổng thu nhập (trừ khi thu nhập của bạn cao so với khoản cần chi). Do đó, bạn nên rà soát kỹ chi tiêu bản thân trong tháng để tính toán chính xác % thu nhập đang sử dụng cho chi phí sinh hoạt.
3. Thanh toán nợ nếu có
Nam Anh cho biết có hai phương pháp trả nợ phổ biến là: Tuyết lở, bóng tuyết. Phương pháp tuyết lở nghĩa là bạn ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất cao nhất trước tiên. Nam Anh ưu tiên phương pháp trả nợ tuyết lở, tối ưu nhất về mặt tài chính. Còn bóng tuyết là ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất thấp nhất rồi sau đó mới tập trung vào các khoản nợ lớn hơn, tốt hơn về mặt tâm lý.
4. Xây dựng quỹ dự phòng
Đây là khoản tiền được Nam Anh dành riêng để đối phó với các tình huống khẩn cấp, đủ cho 3-6 tháng sinh hoạt. Anh thường dự trữ khoản tiền này trong một quỹ tiết kiệm ngắn hạn, có thể gửi góp, có tính thanh khoản cao (có thể dễ dàng rút tiền).
5. Phân luồng thu nhập còn lại
Có ba quỹ mà Nam Anh cần phân bổ thu nhập vào sau khi thực hiện các bước kể trên.
- Quỹ đầu tiên là tiết kiệm dành cho mục tiêu dài hạn, đối phó sự kiện quan trọng (du lịch, đổi laptop, điện thoại, nhà, xe), tiền quà cáp, hiếu hỷ. Nam Anh nhận thấy đây là khoản tiền nên chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập. Anh thường dự trù khoảng 1,5 - 2 triệu đồng cho khoản này.
- Quỹ đầu tư có thể bao gồm cổ phiếu, vàng, bất động sản, tiền điện tử, phát triển bản thân (sách, các khóa học, chứng chỉ).
- Tiền nhàn rỗi có thể tự do chi tiêu cho những gì bản thân thích như mua sắm quần áo, uống trà sữa, cà phê, xem phim, ăn hàng, thanh toán các app trả phí. Anh cũng theo đuổi mục tiêu xây dựng một cuộc sống cân bằng chứ không mù quáng chạy theo sự giàu có để đánh mất các niềm vui trong cuộc sống.
Anh gợi ý bạn ghi lại số tiền bạn dành mỗi tháng cho các quỹ này. Sau đó so sánh con số này với tỷ lệ % mục tiêu như ở bước một (đầu bài viết), điều này giúp bạn hiểu rõ hơn tình hình tài chính hiện tại.
6. Tự động hóa quản lý chi tiêu
Khi chuyển sang tự động hóa phần lớn các giao dịch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, Nam Anh giải phóng được nhiều thời gian, công sức và tập trung vào công việc, phát triển bản thân, học hỏi kỹ năng mới. Tiết kiệm thời gian làm việc lặt vặt cũng là các cách nhanh nhất để Nam Anh gia tăng thu nhập của bản thân.
Cá nhân Nam Anh đã tự tạo ra quy trình đơn giản để tự động hóa thu nhập hàng tháng. Ví dụ:
- Mùng 7: Nhận lương
- Mùng 8: Anh thiết lập các lệnh chuyển tiền tự động từ tài khoản chính sang ba tài khoản khác phục vụ các mục đích gồm:
+ Chi tiêu thiết yếu
+ Tiết kiệm
+ Đầu tư
- Mùng 9: Tài khoản đầu tư tự động chuyển tiền vào tài khoản cổ phiếu
Youtuber Namanhsuit, tên thật là Lê Nam Anh, sinh năm 1997. Công việc chính của Nam Anh là chuyên viên phân tích kinh doanh, giáo viên và nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Kênh Youtube của anh hiện có 44.500 người theo dõi.
>> Xem thêm Gen Z độc thân 'gây sốt' vì chỉ dùng tiền mặt để chi tiêu
Hằng Trần