TP.HCM chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện nhà ở xã hội
Ngày 12/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” có buổi làm việc với UBND TP.HCM.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2.500.000 m2 sàn xây dựng, tương ứng 35.000 căn hộ. Giai đoạn này, có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với 623 căn hộ, diện tích sàn 59.893 m2, tương ứng 2% chỉ tiêu đề ra.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn đầu tư công để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của Nhà nước.
“TP chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Từ nay đến năm 2025, theo chương trình kế hoạch đặt ra cần số vốn 37.700 tỷ, nhưng TP chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách khoảng 3.770 tỷ. Tới năm 2030, cần số vốn 86.400 tỷ nhưng TP chỉ có khả năng bố trí từ ngân sách 8.600 tỷ. Còn lại phải sử dụng từ các nguồn vốn xã hội. Do đó việc đạt chỉ tiêu là rất khó khăn”, ông Huỳnh Thanh Khiết nói.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Đối với phát triển nhà ở xã hội, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội của nhóm đối tượng thu nhập thấp. Ông Cường kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có sự hỗ trợ về vốn, hỗ trợ pháp lý và tạo điều kiện để các doan nghiệp hoạt động một cách minh bạch và bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, nguồn vốn là một trong những yếu tố khiến việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM gặp khó khăn. Ông Hải lưu ý TP.HCM cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thành lập ngân hàng phát triển nhà ở xã hội như một quỹ đầu tư với sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế.