Tai nạn trên cao tốc, có nhất thiết giữ nguyên hiện trường ở làn xe tốc độ cao?
Luật quy định khi xảy ra tai nạn phải "dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường". Tuy nhiên, với đường cao tốc có làn xe 120km/h, giữ nguyên hiện trường càng lâu, nguy cơ tai nạn giao thông tiếp theo càng lớn?
Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có một phần nguyên nhân từ việc các tài xế "giữ nguyên hiện trường" và cãi nhau ngay trên làn xe 120km/h.
Tâm lý chủ quan của tài xế khi điều khiển xe trên đường cao tốc
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho rằng, đường cao tốc được thiết kế để vận hành với tốc độ cao, nếu tuân thủ đúng quy tắc thì đây là loại đường an toàn nhất.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Hoài Anh
“Tuy nhiên, vì những ưu thế của cao tốc nên một số tài xế khi đi trên đường này thường có suy nghĩ mọi thứ trước mặt sẽ thông suốt.
Tâm lý chủ quan này cần được lưu ý với tất cả lái xe, vì trên thực tế vẫn có thể xảy ra các tình huống bất ngờ xuất hiện chướng ngại vật (do bị rơi trên cao tốc), xe chết máy, hoặc va chạm như tại tuyến Hà Nội - Hải Phòng vừa qua, tiềm ẩn rủi ro cho các phương tiện.
Đặc biệt, trong trường hợp lái xe không kịp phản ứng, có thể dẫn tới các vụ tai nạn giao thông liên hoàn với hậu quả lớn”, ông Minh cho biết.
Giữ nguyên hiện trường càng lâu trên cao tốc, nguy cơ xảy ra tai nạn tiếp theo càng cao?
Ông Minh dẫn Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: "Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường, ở lại nơi xảy ra tai nạn".
“Quy định như vậy về nguyên tắc chung là đúng và thế giới cũng áp dụng nguyên tắc chung này. Tuy nhiên, trên cao tốc thì cần phải hiểu và áp dụng quy định giữ nguyên hiện trường như thế nào cho phù hợp?
Bởi vì việc giữ nguyên hiện trường càng lâu trên làn xe có tốc độ cao thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tiếp theo càng cao. Vì thế, thường có những quy định riêng cụ thể khi tham gia giao thông trên cao tốc”, ông Minh nói.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Ảnh: N.Huyền
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ở nhiều nước, nếu có sự cố và tài xế còn tỉnh táo phải ngay lập tức bấm nút cảnh báo. Nếu có thể, tài xế di chuyển xe vào làn khẩn cấp một cách an toàn, ra khỏi xe bằng cửa bên phải (nếu giao thông đi bên phải), chọn vị trí an toàn cách xa làn xe chạy (thông thường là ngoài hộ lan).
Tài xế phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng cũng như gọi cho đơn vị cứu hộ để kéo xe ra khỏi cao tốc. Một số nước thậm chí còn quy định rõ thời gian cần phải gọi cứu hộ trong vòng 30 phút.
“Nếu xe không thể di chuyển sang làn khẩn cấp, mọi người trên xe phải chọn vị trí, thời điểm an toàn để ra khỏi xe. Sau khi tới được vị trí an toàn ngoài hộ lan, cần gọi điện báo ngay cho các cơ quan chức năng.
Tuyệt đối không đứng ngay sau xe hoặc ngay trước mũi xe chết máy dù đó là trên làn xe chạy hay làn khẩn cấp; không cố sửa chữa kể cả những thứ tưởng chừng đơn giản nếu cảm thấy nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc ra khỏi xe đặt vật báo hiệu trong điều kiện giao thông di chuyển tốc độ cao cũng có thể tạo rủi ro lớn nếu người thực hiện không có đủ các trang thiết bị, kiến thức và kỹ năng.
Bởi vậy một số quốc gia không khuyến cáo việc đặt biển tam giác cảnh báo trên cao tốc vì việc đó có thể gây nguy hiểm ngay cho bản thân người đặt biển”, ông Minh nói.
Còn thiếu các giải pháp xử lý sự cố trên đường cao tốc
Theo ông Trần Hữu Minh, Việt Nam cơ bản đã có đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn trên cao tốc, nhưng với hệ thống cao tốc phát triển rất nhanh, gần đây đã phát sinh những vấn đề mới đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tiếp tục rà soát, làm rõ hơn các quy định cho phù hợp thực tế.
Ông Minh cũng lưu ý, ngoài những quy tắc ứng xử tại hiện trường, cần phải hoàn thiện các quy định, trong đó chú trọng mức tối đa về thời gian trong việc cứu hộ khi tai nạn xảy ra.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng, trường hợp giữ nguyên hiện trường, tài xế phải thực hiện nhiều biện pháp cảnh báo: Bật ngay đèn cảnh báo khẩn cấp, đặt vật cảnh báo như chóp nón, tam giác phản quang… cách nơi xảy ra tai nạn từ 100 - 120m; đi sát lề đường cách xe bị tai nạn khoảng 200m vẫy áo, khăn để báo hiệu cho các xe phía sau biết giảm tốc độ; phải báo ngay cho lực lượng CSGT qua số điện thoại 19008099.
Đồng tình với việc phải cảnh báo để các xe phía sau nhận biết, ông Minh lưu ý thêm, người đặt biển cảnh báo (nếu có) phải đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc này một cách an toàn.
Từ thực tế, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, phải nghiên cứu để đưa các ứng xử tình huống vào quy tắc, quy định hoặc một hướng dẫn có tính pháp lý khi lái xe trên cao tốc.
Ở góc độ các cơ quan chức năng, ông Minh đề xuất, cần tăng cường năng lực và thiết bị thu nhận, phát hiện sự cố sớm; thông báo cho các xe và kiểm soát được tốc độ dòng xe đi vào khu vực có tai nạn hoặc sự cố.
“Ví dụ cứ 5-10km có 1 bảng báo hiệu điện tử thì hoàn toàn có thể cảnh báo sớm, hướng dẫn chuyển làn sớm và kiểm soát tốc độ dòng xe, thậm chí đóng làn đường có sự cố.
Hiện đã có số điện thoại của từng tuyến cao tốc để người dân liên hệ. Tuy nhiên, về lâu dài chỉ nên dùng 1 số trên toàn quốc để người dân gọi báo sự cố, như vậy sẽ dễ nhớ, dễ lưu và dễ liên hệ”, ông Minh nói.
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhấn mạnh, vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tình huống mới, các cơ quan chức năng cần phân tích để có những giải pháp kịp thời khi tới đây hàng loạt tuyến cao tốc tiếp tục được đưa vào khai thác.