Xe container và xe tải chặn đường xe cứu thương: Vi phạm đạo đức trước khi vi phạm pháp luật

Quỳnh Mai 15/07/2024 14:35

Dù xe cứu thương đã phát tín hiệu ưu tiên gồm còi và bật đèn cảnh báo xin nhường đường, nhưng xe container và xe tải vẫn dàn hàng ngang, cản đường xe cứu thương.

Gần đây, mạng xã hội chia sẻ video ghi lại trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45 (đoạn qua TP. Tam Điệp, Ninh Bình) cho thấy, 1 xe container và 1 xe tải dàn hàng ngang đi song song. Phía sau, ô tô cứu thương đang phát tín hiệu ưu tiên gồm còi và bật đèn cảnh báo để xin nhường đường.

Theo hình ảnh đoạn đường rất vắng. Đoạn đường này cho phép lưu thông với tốc độ 90 km/h, nhưng 2 xe phía trước chỉ đi khoảng 70km/h.

Đoạn clip chỉ vài chục giây, nhưng người ghi lại cho biết, trước đó 2 ô tô đã cản đường xe cứu thương trên đoạn đường khá dài.

Ngay khi tiếp nhận phản ánh, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã vào cuộc xác minh sự việc.

xe cứu thương

Hai ô tô cản đường xe cứu thương trên đoạn đường khá dài. Ảnh cắt clip.

Không chỉ vi phạm luật mà còn vi phạm về đạo đức

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, nếu 2 tài xế xe container và xe tải trong sự việc nêu trên cố tình dàn hàng, không cho xe cứu thương đi qua thì rất đáng lên án và cần được xử lý nghiêm để răn đe.

Hành vi cả 2 tài xế cần được đánh giá ở 2 khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật, vì đã không nhường đường cho xe ưu tiên.

"Đường cao tốc có quy định về tốc độ tối thiểu và tốc độ tối đa. Về nguyên tắc, khi tham gia giao thông mà gặp xe ưu tiên thì phải nhường đường. Hành vi của 2 lái xe đã vi phạm luật giao thông đường bộ, cần phải được xử lý theo quy định để răn đe", Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu nói.

Khía cạnh thứ 2 là về mặt đạo đức. Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, ở trường hợp này, tài xế thể hiện là người ích kỷ, đề cao cái tôi của mình… Coi thường tính mạng, sức khỏe của người bệnh đang cần được điều trị, cấp cứu kịp thời.

Dư luận xã hội cần lên án, đả phá thói ích kỷ, coi thường pháp luật cũng như tính mạng, sức khỏe của người khác. Quyền tự do của mình không được chà đạp lên quyền tự do của người khác", chuyên gia về tội phạm học Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Cố tình dàn hàng, không cho xe cứu thương đi qua sẽ bị xử phạt như thế nào?

Liên quan đến vấn đề, thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoản 1, Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008, quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe theo thứ tự như sau:

Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang.

Những xe này được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới.

Khoản 3, Điều 22, luật này cũng quy định: Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

"Như vậy với quy định trên thì đối với xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu và đang có phát tín hiệu ưu tiên gồm còi và bật đèn cảnh báo để xin nhường đường thì xe container và xe tải phải nhanh giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường cho xe cấp cứu", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.

Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cũng cho biết, trong trường hợp của tài xế xe container và tài xế xe tải có hành vi cản trở thì sẽ bị xử phạt như sau:

Xe container sẽ bị phạt theo điểm e, khoản 4, Điều 7, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng. Hành vi cản trở xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu sẽ có các mức xử phạt khác nhau tùy theo phương tiện gây cản trở. Cụ thể là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Còn với xe tải sẽ có thể bị xử phạt theo khoản 3, điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi "Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau".

"Tuy nhiên, trong trường hợp tài xế ô tô có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ gây thiệt hại sức khỏe, hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân do không cấp cứu kịp thời thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Tội này quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017", Luật sư Hoàng Thị Hương Giang nói thêm.


Quỳnh Mai