Một luật sư ngoại quốc giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển hàng trăm triệu USD ra nước ngoài
Trong 3 nhóm tội bị truy tố trong giai đoạn thứ 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan tố tụng quy kết bà Trương Mỹ Lan đều là người chỉ đạo giữ vai trò quan trọng, xuyên suốt.
Như Tiền Phong đưa tin, Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về 3 nhóm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trong đó, bà Lan được xem là giữ vai trò cao nhất, bị truy tố cả 3 tội.
Đây là giai đoạn hai của vụ án xảy, tại giai đoạn 1, cách đây khoảng 2 tháng, bà Lan bị TAND TP HCM (cấp sơ thẩm) tuyên tử hình về 3 tội; 85 đồng phạm lĩnh các mức từ tù treo đến chung thân.
Cáo trạng ban hành lần này xác định, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992 đến nay; ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Vai trò của bà Trương Mỹ Lan
Cụ thể, đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cơ quan truy tố kết luận Trương Mỹ Lan, đã ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
Bị can họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt, gồm: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng 4 Công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư thứ cấp, thu về tổng số tiền hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Số tiền này, sau khi thu về, bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Đối với hành vi “Rửa tiền”, cơ quan tố tụng cho rằng, sau khi thực hiện hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chỉ đạo các nhân sự phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản.
Việc này nhằm "cắt đứt" dòng tiền che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp hơn 445 nghìn tỷ đồng do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có.
Còn với hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, trong thời gian từ 2012 - 2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị can Trịnh Quang Công phối hợp với bị can Nguyễn Phương Anh và người tên Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng “khống” giữa các công ty tại Việt Nam và Công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là doanh nghiệp ma thuộc quản lý, điều hành của các nhóm cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Thông qua các hợp đồng “khống” này, Trương Mỹ Lan lấy tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.
Viện kiểm sát quy kết, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106 nghìn tỷ đồng).
Bà Trương Mỹ Lan
Vị luật sư nước ngoài giúp Trương Mỹ Lan chuyển tiền trái phép
Theo Viện kiểm sát, trong vụ án, người tên Chiu Bing Keung Kenneth (có quốc tịch Anh và Bắc Ireland), nhân vật này được xác định là luật sư, đại diện cho Trương Mỹ Lan quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.
Chiu Bing Keung Kenneth có hành vi tạo lập loạt hợp đồng khống giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.
Viện kiểm sát cho hay, từ 2014 - 2022, tổng số tiền các công ty do Chiu Bing Keung Kenneth lãnh đạo đã chuyển đi hơn 556 triệu USD (tương đương 13.000 tỷ đồng) và nhận về hơn 940 triệu USD (hơn 21.000 tỷ đồng). Như vậy, vị luật sư đã giúp Trương Mỹ Lan chuyển hơn 34.000 tỷ đồng trái phép qua biên giới.
Ngoài Chiu Bing Keung Kenneth, một người nước ngoài khác cũng bị cáo buộc giúp bà Lan chuyển tiền trái phép là Chen Yi Chung (quốc tịch Hong Kong).
Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 10/2020 - 5/2021, Chen Yi Chung là quyền Tổng giám đốc SCB và đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài hoặc nhận về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát. Phương thức chuyển tiền cũng bằng các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền... giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty, tổ chức nước ngoài.
Theo đó, Chen Yi Chung đã tham gia 12 giao dịch chuyển tiền đi với tổng số tiền gần 674 triệu USD (tương đương hơn 15.000 tỷ đồng); một giao dịch chuyển tiền về Việt Nam 35 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng).
Lời khai của bà Trương Mỹ Lan thể hiện, chính bà ta đã chỉ đạo Chen Yi Chung phối hợp với các cá nhân tại Vạn Thịnh Phát; lãnh đạo Ngân hàng SCB lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền. Kết quả nhận dạng qua ảnh, các bị can và những người liên quan khác đều nhận ra Chen Yi Chung.
Cơ quan tố tụng đã đề nghị tương trợ tư pháp tới Hồng Kông và Anh, để xác minh Chiu Bing Keung Kenneth với Chen Yi Chung, về các nội dung liên quan vụ án Trương Mỹ Lan, song các yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả.
Ở giai đoạn 1 vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. |