Lý do nhiều hãng hàng không cấm phi công để râu
Nhiều hãng hàng không cấm các phi công nam để râu khi làm nhiệm vụ. Tại sao lại như vậy?
Có rất nhiều tiêu chuẩn gắt gao được đặt ra cho phi công, từ chiều cao, cân nặng, các kỹ năng đến các chỉ số về sức khỏe với bảng liệt kê chi tiết rất nhiều loại bệnh hay rối loạn cần bị loại trừ.
Do môi trường và điều kiện làm việc đặc thù, họ cũng thường phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn lạ lùng khác, chẳng hạn như không được để râu.
Thực tế, không có bất kỳ quy định nào yêu cầu phi công phải cạo sạch râu, nhưng nhiều hãng hàng không yêu cầu phi công không được để râu hoặc chỉ được phép để râu dài ở một mức độ tối thiểu để đảm bảo mặt nạ dưỡng khí vừa khít khuôn mặt trong trường hợp khẩn cấp.
Quy định này xuất phát từ một nghiên cứu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào năm 1987 về ảnh hưởng của râu đối với hiệu quả của mặt nạ dưỡng khí. Theo đó hiệu quả sử dụng sẽ giảm đi nếu có râu.
Những người có râu cũng mất thời gian để đeo mặt nạ dưỡng khí hơn người không có râu. Đồng thời, mặt nạ dưỡng khí khó có thể áp sát và bịt kín trên khuôn mặt có nhiều râu.
Vì FAA cũng yêu cầu các hãng hàng không phải đảm bảo mặt nạ dưỡng khí hoạt động hiệu quả nên nhiều hãng đã quyết định không cho phép phi công để râu, hoặc giới hạn chiều dài râu phi công.
Điển hình như Delta Air Lines, một trong những hãng bay lớn nhất nước Mỹ, cấm phi công để ria mép dài quá khóe miệng, râu tóc dài che cằm hoặc má, cũng như cấm để tóc mai mọc dài quá giữa tai.
Quy định này áp dụng đối với phi công khi làm nhiệm vụ trong buồng lái, khi tham gia các buổi đào tạo huấn luyện và kể cả khi lên máy bay với tư cách là hành khách. Lý do được hãng đưa ra là nhằm đảm bảo mặt nạ dưỡng khí bịt kín khuôn mặt khi xảy ra sự cố khẩn cấp.
Không chỉ Delta Air Lines, American Airlines cũng yêu cầu phi công phải cạo râu sạch sẽ. Nhưng cũng có những hàng không cho phép phi công để râu khi làm nhiệm vụ, ví dụ, Hawaiian Airlines.
Một quy định khiến nhiều người thắc mắc nữa là phi công không được phép có sẹo. Đó là do họ phải phải làm việc ở độ cao hàng chục nghìn mét, nơi không khí rất loãng, áp lực không khí thấp khiến cơ thể người có xu hướng nở ra.
Lúc này, các vết sẹo, kể cả sẹo cũ, trở thành điểm yếu trên da, có nguy cơ bị vỡ, gây rách da và chảy máu. Vết sẹo càng lớn, nguy cơ này càng cao.
Thường áp lực khí tại ca bin và khoang máy bay được duy trì cân bằng ở mức tương đương độ cao 2.000 mét, rất an toàn với các vết sẹo. Tuy nhiên, khi máy bay gặp sự cố về máy nén khí ở độ cao 10.000 mét trở lên, áp lực của không khí bên ngoài khoang máy rất thấp, những vết sẹo có thể bị nứt ra và chảy máu.
Điều này không đe dọa tính mạng nhưng có thể khiến phi công mất tập trung, giảm độ chính xác trong xử lý tình huống, ảnh hưởng đến an toàn bay.
Thực tế, các vết sẹo rất nhỏ và nông vẫn có thể được chấp nhận. Các hãng hàng không thường đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng về độ lớn, độ nông sâu của vết sẹo khi tuyển phi công. Tiêu chuẩn này càng khắt khe hơn đối với người lái máy bay quân sự.
Theo Người Đưa Tin