Chênh lệch giá khi bồi thường, thu hồi đất sẽ được xử lý thế nào?
Chủ đất sẽ nhận được toàn bộ phần chênh lệch nếu tiền bồi thường, hỗ trợ lớn hơn tiền sử dụng phải nộp khi Nhà nước thu hồi đất.
Ngày 13/7, Chính phủ ban hành Nghị định 88 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Việc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở là một trong những điểm mới so với Nghị định 47 hiện hành.
Theo đó, Chính phủ quy định tính tiền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình theo bảng giá tại thời điểm duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trường hợp bồi thường cho tổ chức kinh tế hoặc cho thuê đất thu tiền một lần thì giá đất được xác định bằng giá do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm duyệt phương án bồi thường.
Nhà quản lý đưa ra 2 phương án xử lý khi có chênh lệch giữa giá trị bồi thường với tiền phải nộp khi được được giao, cho thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở. Theo đó, nếu tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng hay thuê, người có đất bị thu hồi sẽ được nhận phần chênh lệch. Còn nếu tiền bồi thường ít hơn, chủ đất phải nộp thêm khoản còn thiếu.
UBND tỉnh có trách nhiệm quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại thu hồi hoặc bằng nhà ở, để bồi thường trên căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương.
Chính phủ cũng quy định 2 phương án nếu có khác biệt giữa diện tích đất thực tế với ghi trên giấy. Trường hợp diện tích đất thực tế nhỏ hơn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì bồi thường theo diện tích đo đạc. Trong trường hợp việc đo đạc để thu hồi đất đã hoàn thành, nhưng sau đó diện tích thửa đất bị thay đổi do thiên tai, sạt lở thì nhà chức trách sẽ dùng số liệu đã đo để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp diện tích đo đạc lớn hơn, chủ đất không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề, thì phần bồi thường được xác định theo số liệu đo thực tế. Với trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất có vị trí, tọa độ không chính xác, việc bồi thường cũng được xem xét theo đúng vị trí, tọa độ khi đo đạc thực tế.
Trước đó, theo Luật Đất đai 2024, trong 30 ngày từ khi quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có hiệu lực, cơ quan thực hiện bồi thường phải chi trả tiền cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản. Nếu tiền bồi thường bị chậm chi trả, chủ đất sẽ được trả thêm khoản tiền bằng mức chậm nộp tính theo thời gian chậm chi trả.
Nếu người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường được duyệt hoặc đất thu hồi, tài sản đang có tranh chấp, thì số tiền này được gửi vào ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn. Tiền lãi sau đó cũng được cộng vào khoản bồi thường.