Điều trị viêm dạ dày thế nào?

16/07/2024 18:49

Viêm dạ dày khiến người bệnh đau vùng bụng, khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng, ợ hơi, nôn ra máu… Việc điều trị sớm, đúng cách giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng sau này.

1. Nguyên nhân gây viêm dạ dày

Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm, kích ứng. Viêm dạ dày gây nóng, đau vùng thượng vị, ợ chua, ợ hơi, đau nhói hoặc đau nhức ở vùng bụng trên, khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng, nôn ra máu hoặc phân đen, mất cảm giác thèm ăn… thậm chí có thể gây xuất huyết dạ dày.

Các yếu tố nguy cơ viêm dạ dày:

- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là một trong những loại phổ biến nhất trên thế giới, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm vi khuẩn này cũng sẽ bị viêm dạ dày. Tình trạng dễ bị tổn thương dạ dày có thể là do đặc điểm di truyền, hoặc do hút thuốc hoặc lựa chọn chế độ ăn uống.

Điều trị viêm dạ dày thế nào?- Ảnh 1.
Viêm dạ dày khiến người bệnh đau vùng bụng, khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng, ợ hơi, nôn ra máu…

- Sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường là thủ phạm gây viêm dạ dày. Sử dụng những loại thuốc này quá thường xuyên hoặc trong thời gian dài có thể gây viêm dạ dày cấp tính hoặc mạn tính. Các thuốc NSAID bao gồm: Ibuprofen (advil, motrin...) và naproxen (aleve)...

- Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày cao hơn vì niêm mạc dạ dày bắt đầu mỏng dần theo thời gian. Người cao tuổi cũng có xu hướng mắc bệnh nhiễm trùng H. pylori hoặc các bệnh tự miễn thường xuyên hơn.

- Sử dụng rượu quá mức: Rượu gây kích ứng và làm mòn niêm mạc dạ dày, khiến dịch tiêu hóa làm hỏng thành dạ dày. Sử dụng rượu quá mức có nhiều khả năng gây ra viêm dạ dày cấp tính. Rượu tạo điều kiện cho sự phát triển của viêm dạ dày nông và viêm dạ dày teo mạn tính.

- Căng thẳng nghiêm trọng: Các bệnh nặng, chấn thương, bỏng hoặc nhiễm trùng có thể gây viêm dạ dày.

- Điều trị ung thư: Nhiều loại thuốc hóa trị và xạ trị làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày.

- Viêm dạ dày tự miễn: Xảy ra khi cơ thể bạn tấn công các tế bào dạ dày của chính nó. Tình trạng này phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn khác. Nó cũng có thể liên quan đến tình trạng thiếu vitamin B-12.

- Các bệnh khác: Bao gồm HIV/AIDS, bệnh Crohn và bệnh celiac.

2. Các thuốc điều trị viêm dạ dày

Phương pháp điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Có thể bao gồm một hoặc nhiều loại thuốc điều trị viêm dạ dày.

2.1. Thuốc kháng sinh

Các thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt các bệnh do vi khuẩn H.Pylori gây ra viêm dạ dày.

Thuốc kháng sinh thường dùng trong điều trị vi khuẩn HP bao gồm clarithromycin, amoxicillin, metronidazol và levofloxacin. Thông thường, phác đồ diệt H. Pylori cần phối hợp nhiều nhóm kháng sinh. Để điều trị triệt để HP, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Các tác dụng phụ thường gặp: Thay đổi vị giác, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tiêu chảy, táo bón…

Điều trị viêm dạ dày thế nào?- Ảnh 2.
Khi dùng thuốc trị viêm dạ dày, cần trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

2.2. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Các thuốc nhóm này giúp kiểm soát và giảm tiết acid dạ dày. Các thuốc bao gồm: Omeprazole, esomeprazole, rabeprazole, lansoprazole...

Một số tác dụng phụ có thể gặp: Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột Clostridium difficile, viêm phổi; giảm hấp thu canxi, ức chế hoạt động tạo cốt bào gây loãng xương , gãy xương…

2.3. Thuốc kháng acid

Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa acid dịch vị, làm giảm sự tiếp xúc của axit vào niêm mạc và thành dạ dày, từ đó giảm cơn đau do viêm dạ dày, giúp giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng, trào ngược, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa…

Tuy nhiên, các thuốc này chỉ giúp giảm các triệu chứng tức thời mà không điều trị tận gốc nguyên nhân của bệnh. Bên cạnh đó, các thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ: Táo bón, tiêu chảy, dị ứng…

Các thuốc thường dùng: Nhôm hydroxyd, magie hydroxyd, natri bicarbonate, canxi carbonat…

2.4. Thuốc kháng histamin H2

Thuốc này làm giảm sản xuất axit dạ dày. Các thuốc thường dùng: Cimetidin, famotidin, ranitidin… Thuốc kháng histamin H2 được dùng trong điều trị loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc: Tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau cơ, phát ban, chứng vú to ở nam giới, giảm ham muốn tình dục…

3. Lưu ý khi điều trị viêm dạ dày

Để điều trị hiệu quả, nên tuân thủ:

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ đúng chỉ định về liều dùng, thời gian uống thuốc mà bác sĩ đã chỉ định.

- Nên tránh: Rượu, caffeine, thực phẩm và nước ép có tính axit, thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên rán…

- Nên ăn: Táo, cần tây, việt quất, hành tây, tỏi và trà có thể ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn H. pylori, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây và rau quả, thực phẩm giàu vitamin B và canxi (hạnh nhân, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh đậm…).

- Trong thời gian điều trị nếu có bất thường hoặc bệnh không tiến triển, cần báo với bác sĩ để có cách xử lý kịp thời.