Quy định xử phạt hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
Nội dung xử phạt hành chính vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
Quy định xử phạt hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ (Hình từ internet)
Ngày 12/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.
Quy định xử phạt hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
Theo Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật;
+ Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng;
+ Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP;
+ Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP này.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
- Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá áp dụng theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
(Điều 4 Nghị định 87/2024/NĐ-CP)
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong quản lý giá
- Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại Điều 26 Nghị định 87/2024/NĐ-CP có quyền lập biên bản hành chính về những vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
- Những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:
+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này;
+ Công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao.
(Điều 26 Nghị định 87/2024/NĐ-CP)
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá ở địa phương.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
+ Phạt tiền đến 150.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm trong quản lý giá;
+ Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
+ Phạt tiền tối đa không quá 75.000.000 đồng;
+ Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt tiền tối đa không quá 5.000.000 đồng.
(Điều 28 Nghị định 87/2024/NĐ-CP)
Lê Nguyễn Anh Hào