Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư từ 01/10/2024
Chính thức sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư Luật Đường bộ 2024 được thông qua ngày 27/6/2024.
Thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo Luật Đường bộ 2024 (Hình từ Internet)
Quy định chung đối với đường bộ cao tốc theo Luật Đường bộ 2024
Theo Điều 44 Luật Đường bộ 2024, đường bộ cao tốc (sau đây gọi là đường cao tốc) là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.
Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm:
- Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc
- Đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Đường bộ 2024, bao gồm:
+ Đất của đường bộ gồm phần đất để xây dựng công trình đường bộ và phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ;
+ Đất để xây dựng bến xe; bãi đỗ xe; điểm dừng xe, đỗ xe; trạm dừng nghỉ; các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ.
Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo Luật Đường bộ 2024
Quy định về phí sử dụng đường cao tốc tại Điều 50 Luật Đường bộ 2024 như sau:
- Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm:
+ Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công;
+ Đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.
- Quản lý, sử dụng các nguồn thu từ phí sử dụng đường cao tốc được quy định như sau:
+ Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;
+ Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách nhà nước; số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chính sách phát triển đường cao tốc theo Luật Đường bộ 2024
Chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 4 Luật Đường bộ 2024 và các quy định sau đây:
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách;
- Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, nguồn lực khác trong các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
+ Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc đang đầu tư hoặc đã khai thác theo quy mô phân kỳ.
Trần Trọng Tín