Năm 2024, công ty tài chính cho vay tiêu dùng được gọi nhắc nợ mấy lần trong ngày?

18/07/2024 17:41

Năm 2024, công ty tài chính cho vay tiêu dùng được gọi nhắc nợ mấy lần trong ngày? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

1. Công ty tài chính được gọi nhắc nợ mấy lần trong ngày?

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN), quy định về biện pháp đôn đốc thu hồi nợ của công ty tài chính cho vay tiêu dùng như sau:

- Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 lần/01 ngày.

- Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.

- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, công ty tài chính được gọi nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày và phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.

Công cụ tra cứu mã số thuế và thông tin doanh nghiệp(cập nhật mới)
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

vay tiêu dùng

Công ty tài chính cho vay tiêu dùng được gọi nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày

(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Khách hàng vay tiêu dùng từ công ty tài chính phải được sử dụng trong những mục đích nào?

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN), cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng.

Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ này bao gồm:

(i) Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình.

(ii) Chi phí học tập, khám, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao.

(iii) Chi phí sửa chữa nhà ở.

3. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính tối đa là bao nhiêu?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, công ty tài chính cho vay với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng.

Lưu ý: Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Phương thức cho vay -  Thông tư 43/2016/TT-NHNN

Công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay tiêu dùng sau đây:

1. Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

2. Cho vay theo hạn mức: Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần. Mỗi năm ít nhất một lần, công ty tài chính xem xét, xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

Điều 9. Lãi suất cho vay tiêu dùng -  Thông tư 43/2016/TT-NHNN

1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.