Nhiều trường hợp tử vong do ăn sâu ban miêu: Loại côn trùng này nguy hiểm như thế nào?

13/06/2022 16:27

PLBĐ - Sau khi ăn sâu ban miêu, 2 người dân ở Nghệ An đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trong đó có 1 người tử vong. Trước đó, ở nước ta cũng đã có không ít trường hợp ngộ độc nghiêm trọng vì ăn loại côn trùng này.

Ngày 13/6, lãnh đạo UBND xã Lưu Sơn (Đô Lương, Nghệ An) cho biết, 2 người dân trên địa bàn bắt sâu ban miêu trong vườn để ăn và bị ngộ độc khiến 1 người tử vong. Theo đó, ngày 12/6, anh Trần M.H. (SN 1972) đến nhà bà Bùi Thị B. (SN 1958) để xây cổng. Trưa cùng ngày, bà B. làm cơm thì anh H. nói loại sâu trong vườn có thể ăn được. Cả 2 sau đó bắt sâu ban miêu để chế biến món ăn. Chiều cùng ngày, cả 2 xảy ra ngộ độc, nôn ra máu.

2 nạn nhân sau đó được người thân đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương cấp cứu và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do ngộ độc nặng, bà B. đã tử vong. Riêng anh H. hiện vẫn đang được cấp cứu tại Khoa tích cực chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An.

1 người tử vong, 1 người nguy kịch sau khi ăn sâu ban miêu trong vườn - Ảnh 1.

Sâu ban miêu.

Được biết, đây không phải trường hợp hiếm hoi tử vong do sử dụng sâu ban miêu làm thức ăn. Trước đó ít lâu, chiều 18/4, ông Đinh Văn Gré (SN 1963, trú tỉnh Quảng Ngãi; làm công việc thu hoạch cây keo tại xã Đắk Song, huyện Kông Chro, Gia Lai) đã bắt một loại côn trùng trong rừng keo đem về ăn. Cùng ăn với ông Gré còn có bà Phạm Thị Dép (SN 1976) và ông Phạm Văn Mói (SN 1983). 

Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người đều xuất hiện triệu chứng nôn, đau bụng…; riêng ông Gré còn nôn ra máu. Rạng sáng 19/4, ông Gré tử vong, 2 người còn lại được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kông Chro điều trị.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu những con côn trùng mà 3 người trên đã ăn để kiểm tra. Chi cục xác định nguyên nhân ngộ độc là do ăn côn trùng chiên chín, không ăn cùng các món khác. Loài côn trùng mà 3 người ăn là sâu ban miêu.

Trước đó, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã ghi nhận các trường hợp ngộ độc, tử vong do ăn lại côn trùng này. Điển hình là các vụ: 2 trường hợp ngộ độc tại Lào Cai do ăn sâu ban miêu, trong đó 1 người tử vong (tháng 8/2016); 2 người tử vong vì ăn bọ xít nhưng nhầm phải sâu ban miêu ở Thanh Hóa (tháng 9/2015);...

Sâu ban miêu nguy hiểm như thế nào?

Sâu ban miêu có tên khoa học của là Lytta vesicatoria Fabr, thuộc họ ban miêu Meloidae. Loại sâu này nhiều tên gọi khác nhau như: nguyên thanh, ban manh, ban mao,… Ở Việt Nam còn được biết đến với tên sâu đậu và sâu ba vạch.

Đây là một loài sâu nhỏ thuộc bọ cánh cứng. Thân có màu đen hoặc xanh lục biếc xen kẽ với màu đỏ, vàng hoặc cam. Sâu ban miêu có chiều dài khoảng 1,5-2 cm, ngang khoảng 0,4-0,6 cm. Ban miêu có đầu hình tim, thân chia thành 11 đốt. Có một rãnh nhỏ chạy dọc giữa đầu và thân. Giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Râu ngắn màu đen hình sợi. Phía dưới lớp cánh cứng có 2 cánh mềm, trong suốt. Dưới ức có 3 đôi chân. Sâu ban miêu có mùi rất khó chịu, ngửi rất hăng.

Thành phần hóa học gây độc trong sâu ban miêu là Cantharidin. Chất độc này làm hủy hoại protein, hoại tử ruột, suy đa phủ tạng, gây tử vong. Độc tố của sâu ban miêu tiết ra gần giống dịch từ kiến ba khoang, nếu dính vào tay cầm và lỡ bôi vào mắt, dụi mắt sẽ làm bỏng rát, tổn thương giác mạc. Cantharidin khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, gây ngộ độc nặng, tổn thương dạ dày và ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột. Chỉ tiếp xúc sâu qua da như dùng tay bắt trực tiếp, đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải hơi) cũng đủ gây dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vết thương hở. Hơi độc từ sâu bay vào mắt sẽ có cảm giác cay, bỏng rát.

Theo cảnh báo của các bác sĩ, ngộ độc sâu ban miêu hiếm gặp nhưng rất nặng về và gây khó khăn trong quá trình cứu chữa vì không có phác đồ điều trị rõ ràng. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên bắt sâu ban miêu để phòng ngộ độc và tuyệt đối không ăn loại côn trùng này. Nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, sau đó đến ngay bệnh viện điều trị.

T.H (th)