Xử lý thế nào vụ cháy kho chứa xe tang vật và vi phạm của CSGT TP. Hồ Chí Minh?
PLBĐ - Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại bãi giữ xe vi phạm, tang vật của CSGT TP. Hồ Chí Minh khiến hàng trăm chiếc xe máy và 4 ô tô bị thiêu rụi. Theo dõi vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc ai sẽ phải chịu trách nhiệm với số phương tiện bị thiêu rụi?
Ngày 6/6, một vụ cháy lớn xảy ra tại kho chứa xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh (địa chỉ số 16 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 13h32.
Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP. Hồ Chí Minh đã điều động 4 đơn vị gồm 126 cán bộ, chiến sỹ và 21 xe chuyên dụng triển khai chữa cháy. Các tuyến đường xung quanh cũng bị phong tỏa. Người dân sống xung quanh vội vã di chuyển tài sản.
Đám cháy được dập tắt hoàn toàn vào khoảng 15h cùng ngày. Lực lượng chức năng đã bảo vệ, ngăn cháy lan sang 3 xưởng gỗ, 1 dãy nhà trọ và các nhà dân xung quanh.
Theo cơ quan chức năng, diện tích nhà kho bị cháy khoảng 1.100m2. Hỏa hoạn không gây thương vong về người, nhưng thiêu rụi nhiều xe máy, trong đó có một số ô tô. Ở một góc kho, hàng chục xe máy xếp 3-4 dãy bị cháy trơ khung. Sức nóng khiến cột thép, mái tôn nhà kho biến dạng, võng xuống.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Theo dõi vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc với trường hợp xe tang vật, xe vi phạm bị cháy như vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Bồi thường thiệt hại sẽ ra sao?
Giải đáp thắc mắc trên, trao đổi với báo Giao thông, luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, về nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP (nghị định quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính) ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Theo đó, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, bảo đảm tính nguyên vẹn.
Luật sư Điền cho biết, theo nghị định này thì kho bãi được sử dụng để tạm giữ phương tiện phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự; có hệ thống hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng; Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
"Do đó, trường hợp phương tiện tạm giữ bị cháy không vì lý do bất khả kháng, thì tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bị tạm giữ phải bồi thường theo quy định tại Điều 9, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP và quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015, trên nguyên tắc tự thương lượng với nhau. Nếu không thương lượng được thì chủ sở hữu phương tiện có thể khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để đề yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện tạm giữ bồi thường. Tòa sẽ tiến hành các thủ tục để định giá thiệt hại, làm căn cứ để bồi thường", luật sư Điền thông tin.
Cũng theo luật sư Điền, đối với những phương tiện có bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì công ty bảo hiểm là đơn vị bồi thường thiệt hại (trường hợp không có lỗi con người tác động gây cháy). Theo đó, việc bồi thường không quy về trách nhiệm người quản lý, được quy định tại khoản 1 Điều 6, Nghị định 23/2018/NĐ-CP (nghị định quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc) ngày 23/02/2018 của Chính phủ.
T.H (th)