Chăm sóc trẻ bị chốc lở, cha mẹ cần biết điều này
Chốc lở là căn bệnh thường tiến triển vào mùa hè, rôm sảy là một nguyên nhân để khuẩn liên cầu dễ xâm nhập vào trẻ. Nếu trẻ sốt, quấy khóc nhiều, các tổn thương da có mủ hoặc loét sâu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.
Trong 2 tuần gần đây, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp nhận 10 bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán chốc lở, đa số các bệnh nhi tự điều trị tại nhà nhiều ngày không đỡ mới bắt đầu nhập viện.
Các triệu chứng phổ biến ở các bệnh nhi mắc bệnh lý này là nổi mụn nước, mụn mủ trên da toàn thân, các tổn thương thường tập trung tại vùng đầu, mặt, cổ và tay chân.
Điển hình là trường hợp bé P.B.M.Q, 27 tháng: Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, có hội chứng nhiễm trùng điển hình, toàn thân có nhiều vết xước da do gãi ngứa; vùng đầu, mang tai và tay chân nổi rải rác các bọng nước xen lẫn bọng mủ đã vỡ chảy dịch, nhiều nốt mụn đã đóng vảy tiết, hạch vùng cổ và sau tai sưng đau.
Sau 3 ngày điều trị, bé đã cắt sốt, các tổn thương trên da của trẻ khô, không xuất hiện các bỏng nước và mụn mủ mới.
Chốc lở là bệnh gì?
Theo Bác sĩ CKI. Trương Kim Thiện - Trưởng khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ): Chốc lở là tình trạng da bị nhiễm khuẩn do liên cầu, tụ cầu hoặc cả hai gây nên, chốc lan từ vùng da bị bệnh sang vùng da lành, người tiếp xúc với dịch mủ có thể lây bệnh. Bệnh thường bắt đầu bằng những bóng nước nhỏ trên một vùng da rồi từ từ lan rộng ra toàn bộ cơ thể, nếu được điều trị và chăm sóc đúng bệnh sẽ khỏi sau 7-10 ngày và không để lại sẹo.
Cần làm gì khi có dấu hiệu bệnh chốc lở?
Để tránh làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh, khi phát hiện trẻ bị chốc lở, bố mẹ cần làm những điều như sau:
- Nên che vết chốc lại để giúp cho các chất dịch từ bóng nước không thể lây lan vi khuẩn sang các phần các của cơ thể và người tiếp xúc với trẻ.
- Cho trẻ mặc quần áo thoải mái, thoáng mát. Đối với trẻ nhỏ thì không mặc tã.
- Cắt móng tay thường xuyên cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng khi trẻ gãi, đồng thời hạn chế tổn thương da và gây vỡ bóng nước.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ với chất diệt khuẩn an toàn để ngăn ngừa sự tích tụ của khuẩn liên cầu và tụ cầu. Rửa vệ sinh vết loét một lần mỗi ngày với nước ấm.
- Nên giặt riêng đồ của trẻ và để trẻ ở trong nhà.
- Cho trẻ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Nếu trẻ sốt, quấy khóc nhiều, các tổn thương da có mủ hoặc loét sâu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.