Doanh nghiệp ngành đồ uống có đường trước nỗi lo áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo đánh giá sơ bộ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này.
Mới đây, dự thảo luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội (QH) với lộ trình QH sẽ được thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 năm 2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 năm 2025 trong đó đề xuất áp thuế TTĐB đối với NGK có đường được đưa bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB, đã và đang thu hút sự quan tâm.
Bàn luận về vấn đề này trên "Diễn đàn kinh tế: Áp thuế với nước ngọt có giảm thừa cân, béo phì?" trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA chia sẻ "Việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm NGK theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách. Khi mà các sản phẩm khác đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước. Đồng thời khó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giúp tăng thu ngân sách".
Hiện nay, tình trạng tiêu thụ nước giải khát được sản xuất thủ công, không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm khá phổ biến, được biệt là nước giải khát bán theo thức ăn đường phố. Do đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát có đường sẽ tạo gánh nặng tuân thủ lên các doanh nghiệp sản xuất chính thống, trong khi có thể tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất phi chính thức; nhập lậu, làm giả, làm nhái; sản xuất sản phẩm kém chất lượng ngày càng phát triển bởi các doanh nghiệp trong khu vực không chính thức này sẽ có động lực tránh thuế lẫn sự quản lý của nhà nước.
Như vậy, không những sức khỏe của người tiêu dùng cuối cùng lại không được bảo vệ như mong đợi so với mục tiêu đề ra là "ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì" mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Một khía cạnh khác là với tình trạng này, việc hành thu cũng như các mục đích về ngân sách của chính sách thuế TTĐB lại không đạt được.
Nhìn toàn cảnh, theo đánh giá sơ bộ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này..
Hiện nay, có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát (2021), tạo ra hơn 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp nhưng đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ nên có đến 52% doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, 10% hiện đại, chỉ có 2% dùng công nghệ cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thiếu liên kết, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs)... Những yếu kém này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam chiếm thị phần. Hiện nay các thương hiệu lớn về nước giải khát trên thị trường Pepsi, Coca Cola, Tân Hiệp Phát,...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có chia sẻ CIEM đang thực hiện một số nghiên cứu liên quan tới dự thảo về thuế TTĐB trong đó có lĩnh vực về sản phẩm NGK có đường và kết quả sơ bộ dựa theo số liệu thống kê năm 2022 cho thấy rằng nguồn thu ngân sách không tăng thậm chí còn giảm.
"Bởi vì khi chúng ta đánh thuế đối với NGK có đường thì có tác động lan tỏa tới cả các ngành hàng khác nữa. Các ngành cung cấp đầu vào và các ngành tác động trong chuỗi sản xuất, phân phối của ngành NGK ước tính là 25 nhóm ngành hàng. Do vậy, nếu áp thuế TTĐB lên NGK có đường là 10% thì ước tính GDP sẽ giảm 0.5 điểm phần trăm là một mức độ tác động rất lớn tới nền kinh tế" - Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo cho biết
Theo nghiên cứu của CIEM trước đó, ngành nước giải khát có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị dẫn tới ảnh hưởng với quy mô gấp 6-9 lần, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đang đề xuất chuyển nhóm mặt hàng "đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gi đường, bã mía, bã bùn" từ nhóm đang áp dụng mức thuế suất GTGT 5% sang nhóm áp dụng thuế suất GTGT 10%. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như Bộ Tài chính đề xuất thì các doanh nghiệp NGK sẽ cùng lúc chịu thêm các sức ép từ việc tăng chi phí nguyên liệu sản xuất do giá đường tăng, thuế TTĐB,...
Khi xem xét và đánh giá các tác động, có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng NGK có đường sẽ phải chịu tác động trực tiếp. Thuế tiêu thụ đặc biệt làm tăng giá thành của sản phẩm, từ đó dẫn đến giá bán cao hơn đối với người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến giảm doanh thu, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ảnh hưởng tới mức đóng góp của ngành đối với ngân sách hằng năm.
Chính sách thuế có thể làm thay đổi cấu trúc chi phí trong chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Giảm thu nhập của người lao động, nguy cơ mất việc làm gây hệ lụy đến xã hội. Nếu doanh thu giảm, các doanh nghiệp có thể cần điều chỉnh quy mô sản xuất, giảm lao động trong ngành.
Ông Đỗ Thái Vương cũng cho rằng việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, giảm đầu tư vào ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng.
Ông Đỗ Thái Vương nhận định "Bản thân ngành đã và đang triển khai các dòng sản phẩm mà tốt cho sức khỏe. Vấn đề mấu chốt ở đây chúng ta cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để người dân có ý thức dung nạp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể hợp lý so với calo tiêu hao".