Các phương pháp điều trị bướu cổ

21/07/2024 13:45

Bướu cổ thường không gây đau, nhưng khiến người bệnh khó chịu, khó nuốt. Việc điều trị bướu cổ sớm, đúng cách có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ biến chứng sau này.

Mục tiêu của việc điều trị bướu cổ là phục hồi chức năng tuyến giáp bình thường, giảm kích thước tuyến giáp, làm giảm các triệu chứng và giải quyết nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng bệnh.

Điều trị bướu cổ phụ thuộc vào kích thước bướu cổ, các dấu hiệu, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Nếu bướu cổ nhỏ, chức năng tuyến giáp khỏe mạnh, có thể chỉ cần theo dõi và kiểm tra thường xuyên.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có mức hormone tuyến giáp bất thường hoặc bướu cổ lớn, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm thuốc, i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị bướu cổ- Ảnh 2.
Bướu cổ là bệnh lý chỉ sự phì đại bất thường của tuyến giáp.

1. Điều trị bướu cổ như thế nào?

1.1. Các thuốc tăng sản xuất hormone

- Tác dụng: Các trường hợp tuyến giáp hoạt động kém ( suy giáp ) được điều trị bằng cách thay thế hormone tuyến giáp như levothyroxine (levoxyl, thyquidity…), liothyronine (cytomel)...

Các hormone tuyến giáp này có thể làm giảm sự kích thích phát triển của mô tuyến giáp, nhờ đó giảm kích thước của bướu cổ.

- Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc trị suy giáp là nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, kích động, mất ngủ, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, tiêu chảy, giảm cân, giảm mật độ xương…

Lưu ý:

  • Cần uống thuốc hàng ngày cùng vào một thời điểm.
  • Nên uống trước bữa ăn sáng 30-1 giờ.
  • Tránh uống thuốc trị suy giáp cùng với các chất bổ sung canxi, sắt, vitamin tổng hợp, thuốc kháng axit hydroxit nhôm… nên uống cách nhau 4 giờ.

1.2. Thuốc giảm sản xuất hormone

- Tác dụng: Tuyến giáp hoạt động quá mức ( cường giáp ) có thể được điều trị bằng thuốc làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone, từ đó làm giảm kích thước của bướu cổ. Có hai loại thuốc thường được kê đơn để kiểm soát cường giáp là methimizole và propthiouracil (PTU).

- Tác dụng phụ: Có thể gặp các tác dụng phụ như ngứa, phát ban, sốt, rụng tóc, buồn nôn, nôn, tức ngực, đau đầu, đau nhức xương khớp…

1.3. Thuốc ngăn chặn hoạt động của hormone tuyến giáp

- Tác dụng: Có thể sử dụng thuốc chẹn beta để kiểm soát các triệu chứng của bệnh cường giáp. Những loại thuốc này có thể phá vỡ lượng hormone tuyến giáp dư thừa và làm giảm các triệu chứng. Các thuốc bao gồm atenolol (tenormin), metoprolol (lopressor)…

- Tác dụng phụ khi dùng thuốc chẹn beta: Chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tăng độ nhạy cảm với môi trường…

Lưu ý: Thận trọng khi dùng thuốc chẹn beta cho người cao tuổi bị cường giáp. Cần báo cho bác sĩ nếu bị huyết áp thấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn… Không uống nước ép bưởu khi dùng thuốc. Ngoài ra cần bảo vệ da khi đi ngoài trời nắng để tránh cháy nắng, phát ban, dị ứng…

1.4. Điều trị bằng i-ốt phóng xạ

- Tác dụng: I-ốt phóng xạ là phương pháp điều trị tuyến giáp hoạt động quá mức. Phương pháp điều trị đường uống này làm giảm hoặc loại bỏ sản xuất hormone và có thể làm giảm kích thước của bướu cổ.

- Tác dụng phụ: Đau và sưng cổ, buồn nôn và nôn, đau và sưng các tuyến nước bọt, khô miệng, thay đổi vị giác…

Lưu ý:

- Tránh tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ mang thai trong một vài ngày hoặc vài tuần.

- Nên tránh mang thai trong vòng 6 tháng sau khi dùng i-ốt phóng xạ.

- Không dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân cường giáp có vấn đề về mắt.

Ngoài ra, có thể dùng thuốc kiểm soát cơn đau nếu tình trạng viêm tuyến giáp gây đau đơn cho người bệnh. Thường dùng các thuốc aspirin, naproxen natri (aleve), ibuprofen, paracetamol.

Các phương pháp điều trị bướu cổ- Ảnh 3.
Người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm sau này.

1.5. Phẫu thuật

- Tác dụng: Có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp để điều trị bướu cổ nếu gặp các triệu chứng: Khó thở hoặc khó nuốt, các nốt tuyến giáp gây ra bệnh cường giáp, ung thư tuyến giáp. Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào lượng tuyến giáp bị cắt bỏ mà bác sĩ sẽ chỉ định có cần phải dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp hay không.

Lưu ý: Có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật như chảy máu vùng cổ gây khó thở sau mổ, khàn giọng, thay đổi giọng nói tạm thời/vĩnh viễn, hạ canxi máu (tê tay, chân…), suy giáp vĩnh viễn, nhiễm trùng vết mổ, tụ dịch vết mổ...

2. Lưu ý khi điều trị bướu cổ

Để điều trị bướu cổ an toàn, hiệu quả, cần tuân thủ:

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ: Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc.

- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí, tránh biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra có thể phòng tránh bướu cổ bằng cách:

- Ăn uống cân bằng bao gồm các thực phẩm giàu iốt như hải sản, các sản phẩm từ sữa và muối i-ốt.

- Tránh hấp thụ quá nhiều i-ốt: Mặc dù iốt là chất thiết yếu, nhưng hấp thụ quá nhiều cũng có thể góp phần hình thành bướu cổ. Do đó, không nên bổ sung quá nhiều i- ốt. Chỉ dùng khi có chỉ đinh jcuar bác sĩ đối với các chất bổ sung hoặc thuốc có chứa i-ốt.

- Điều trị các bệnh lý tuyến giáp tiềm ẩn: Nếu mắc chứng rối loạn tuyến giáp tự miễn (viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh Graves), cần tuân thủ phác đồ điều trị và thăm khám thường xuyên để đảm bảo tuyến giáp hoạt động bình thường.