Đại án đăng kiểm: Muốn hồ sơ thẩm định ‘đạt’ thì nộp Phòng VAR từ 2-3 triệu đồng
Để có tiền chung chi cho Cục Đăng kiểm và chia nhau, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) và các Đăng kiểm viên thống nhất chủ trương nhận hối lộ hơn 60,7 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định được, để được thẩm định “đạt” hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới, theo mặc định của các Đăng kiểm viên Phòng VAR, khi các hồ sơ này được cấp giấy chứng nhận đạt, thì các công ty thiết kế phải chung chi số tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với 1 bộ hồ sơ.
Theo cáo trạng, trong vụ án này chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với 11 bị can có liên quan đến 7 Công ty thiết kế. Gồm: Công ty An Bình, Công ty Vcar, Công ty Tiên Phong, Công ty Đức Thịnh, Công ty An Phát, Công ty Tín Phát và Công ty Phát Đạt, với 15.928 hồ sơ và số tiền đưa hối lộ là 35,76 tỷ đồng.
Đối với các đối tượng liên quan đến 9 công ty thiết kế như: Công ty Alpha, Công ty Thiên An, Công ty Tâm Phúc, Công ty Hưng Thịnh, Công ty Hạ An, Công ty Tiến Phát, Công ty TKT, Công ty TVKT và Công ty GMG, với 10.764 hồ sơ và số tiền đưa hối lộ gần 25 tỷ đồng do đã được các Cơ quan điều tra Công an các tỉnh, thành khác khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã tách hành vi và chuyển hồ sơ đi để giải quyết theo thẩm quyền.
Cũng theo cáo trạng, Công ty VCAR tại Hà Nội là do Hoàng Xuân Thảo, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang (là các Đăng kiểm viên phòng VAR) góp vốn thành lập và thuê Lã Thu Chiền làm Giám đốc để thực hiện việc nhận, lập hồ sơ thiết kế cải tạo cho các phương tiện.
Trong quá trình hoạt động, vì là Đăng kiểm viên phòng VAR nên Thảo, Dương và Quang biết rõ, để thẩm định đạt hồ sơ thiết kế thì các công ty thiết kế phải chung tiền cho các Đăng kiểm viên phòng VAR.
Qua điều tra, Lã Thu Chiền, Trịnh Bình Dương, Hoàng Xuân Thảo, Vũ Hồng Quang khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị can là Đăng kiểm viên Phòng VAR. Do đó Chiền, Dương, Thảo, Quang phải chịu trách nhiệm đối với hành vi đưa hối lộ với tổng số tiền là hơn 11 tỷ đồng.
Đối với Công ty Tiên Phong tại Hà Nội, do Trần Quốc Tuấn làm Giám đốc, Mai Văn Quân điều hành. Tại Cơ quan điều tra, Quân và các đối tượng làm việc tại Công ty Tiên Phong không thừa nhận hành vi đưa hối lộ.
Tuy nhiên, sau khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, làm việc với VKS, Mai Văn Quân thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Quân khai nhận quá trình gửi hồ sơ đến Phòng VAR để thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo, Quân phải đưa tiền cho Đăng kiểm viên Phòng VAR để hồ sơ thẩm định “đạt” số tiền hơn 11,3 tỷ đồng.
Còn Công ty Đức Thịnh và Công ty An Phát tại Hà Nội đều do Lê Đức Thiện làm Giám đốc. Tham gia điều hành hoạt động 2 Công ty này là Lại Thái Phong và Nguyễn Minh Tuấn (là 2 Đăng kiểm viên Phòng VAR) thỏa thuận ăn chia lợi nhuận với Thiện theo tỷ lệ Phong và Tuấn mỗi người 30%, Thiện 40%.
Quá trình điều tra, Lê Đức Thiện, Nguyễn Minh Tuấn, Lại Thái Phong khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ thu thập được. Do đó, Phong và Thiện cùng chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đưa hối lộ là hơn 12,4 tỷ đồng, Tuấn chịu trách nhiệm hình sự số tiền là hơn 12,2 tỷ đồng…
Như vậy, các công ty thiết kế hồ sơ khi nộp hồ sơ thẩm định lên Cục đăng kiểm, muốn hồ sơ thẩm định "đạt" thì buộc phải nộp tiền cho các Đăng kiểm viên theo số lượng hồ sơ được thẩm định đạt.
Qua đối chiếu kiểm tra thì có 16 Công ty đã được cấp 26.692 hồ sơ, đưa hối lộ số tiền hơn 60,7 tỷ đồng cho Đăng kiểm viên Phòng VAR.
Ngày 26/10/2022 và ngày 28/10/2022, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng CSGT, Công an TP.HCM phát hiện 2 xe ô tô có dấu hiệu cơi nới thành, thùng so với quy chuẩn nên tiến hành kiểm tra.
Kết quả kiểm tra xác định số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo kích thước trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục ĐKVN, nên chuyển Cơ quan điều tra để tiến hành làm rõ.