Từ 1/1/2025 tới, lực lượng chức năng được quyền bắn hạ flycam không cần cảnh báo
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 bổ sung thêm quy định được nổ súng bắn hạ Flycam. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Được phép bắn hạ flycam mà không cần cảnh báo trước
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024. Trừ quy định tại Điều 17, Điều 32 và Khoản 1 Điều 49 (có hiệu lực 1/7/2025) với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Trong đó bổ sung thêm quy định được nổ súng bắn hạ Flycam.
Theo đó, Khoản 2, Điều 23 quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp như:
- Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, bạo loạn, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác...
Người thi hành nhiệm vụ độc lập cũng được phép nổ súng nhưng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng nếu rơi vào các trường hợp như: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả hoặc gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Người đang bị truy nã, bị bắt, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp... đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác...
So với hiện hành tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ được nổ súng quân dụng và thiết bị không người lái trong trường hợp phương tiện bay không người lái này trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Flycam là gì?
Flycam, còn được gọi là Flying camera hoặc Drone with camera, là những chiếc Drone được trang bị camera quan sát và hệ thống gimbal ổn định. Với sự đầu tư vào thiết bị quay phim và chụp hình, Flycam thường được sử dụng cho các nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh từ độ cao cao hơn, tạo ra các cảnh quay bao quát và sống động.
Flycam là các thiết bị tàu bay không người lái có thể được điều khiển bằng trạm điều khiển hoặc điện thoại mà không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.
Có được phép sử dụng tàu bay Flycam vào khu vực tập trung đông người hay không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Quyết định 18/2020/QĐ-TTg quy định về khu vực hạn chế bay như sau:
"Khu vực vùng trời có độ cao lớn hơn 120m so với địa hình (không bao gồm vùng trời các khu vực cấm bay quy định tại Điều 3 Quyết định này).
Khu vực tập trung đông người.
Khu vực biên giới.
- Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc là 25000m tính từ đường biên giới trở vào nội địa Việt Nam ở mọi độ cao;
- Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia là 10000m tính từ đường biên giới trở vào nội địa Việt Nam ở mọi độ cao.
Khu vực tiếp giáp với khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, tàu bay quân sự mở rộng ra phía ngoài 3000m theo chiều rộng, 5000m theo chiều dài, tính từ ranh giới khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay; độ cao nhỏ hơn 120m so với địa hình (Phụ lục kèm theo Quyết định này).
Việc tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong khu vực hạn chế bay phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan cấp phép bay".
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc sử dụng tàu bay Flycam vào khu vực tập trung đông người là hành vi hạn chế.