Từ vụ 4 mẹ con tử nạn ở Hà Nội: Cần mạnh tay xử lý con nghiện 'ôm' vô lăng
Theo luật sư, nhiều tài xế do đặc thù công việc mà có không ít người sử dụng ma túy, chất kích thích để tránh buồn ngủ nên thường được gọi là nghiện vô lăng, nghiện lái xe; tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 11h ngày 16/7, Lương điều khiển ô tô tải biển kiểm soát 88H-288.49 va chạm với xe tải biển kiểm soát 29C-597.75, tại ngã tư giao cắt giữa đường ĐH05 và đường Ba Chàng, thuộc xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.
Sau đó, chiếc xe tải biển Hà Nội văng vào xe máy do chị H. (32 tuổi) điều khiển, chở theo 3 người con vào thành cầu. Hậu quả, cả 4 người trên xe máy tử vong, tài xế xe tải biển 29C bị thương. Sau khi xảy ra tai nạn, Đàm Văn Lương (quê Cao Bằng) rời khỏi hiện trường.Đến 23h45 cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện và đưa Lương về Công an huyện Hoài Đức làm việc, khi tài xế này đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức.
Qua xét nghiệm, Đàm Văn Lương dương tính với ma túy.Ngày 17/7, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức đã khởi tố bị can, bắt tạm tạm giam lái xe Đàm Văn Lương về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp với hậu quả nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại cả về người và của mà còn gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.Đặc biệt là với những vụ tai nạn giao thông xuất phát từ xe chở khách, ô tô tải vận chuyển xuyên đêm, đường dài. Nhiều tài xế do đặc thù công việc mà có không ít người sử dụng ma túy, chất kích thích để tránh buồn ngủ nên thường được gọi là nghiện vô lăng, nghiện lái xe; tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm với những trường hợp này.Theo khoản 4, 7 và 17 Luật Giao thông đường bộ hiện hành, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau: Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ; điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy; bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.Do đó, việc chủ phương tiện đưa vào sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn; người lái xe có điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, bỏ trốn sau khi gây tài nạn đều có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ phương tiện và tài xế có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).Cụ thể, về phía chủ phương tiện, theo Điều 30 Nghị định số 100/2019 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi đưa vào sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn. Đồng thời, người vi phạm còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn; tịch thu phương tiện...Còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần cá nhân vi phạm. Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 262 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn (không áp dụng với pháp nhân thương mại).Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến cao nhất là 10 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.Về phía tài xế điều khiển phương tiện gây tai nạn, theo điểm b khoản 8, điểm c khoản 10 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ,người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.Đồng thời người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 24 tháng.Nếu các hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (không áp dụng với pháp nhân thương mại), người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.