Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ từ 01/01/2025

23/07/2024 08:30

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, trong đó có quy định xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ từ 01/01/2025.

Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ từ 01/01/2025 (Hình từ internet)

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024.

Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ từ 01/01/2025

Theo đó, tại Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh như sau: 

(1) Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Phải lắp thiết bị giám sát hành trình. 

- Có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;

(2) Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.

- Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải 

đảm bảo các yêu cầu tại điểm (1) nêu trên và yêu cầu sau: 

Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

- Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. 

Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. 

Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

- Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

- Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.

- Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

Như vậy, theo quy định thì một trong những yêu cầu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh là phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em

Theo Điều 6 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:

- Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non (sau đây gọi là trẻ em mầm non), học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học, ngành học.