09 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng từ 01/01/2025
Từ 01/01/2025, 09 đối tượng sau đây được trang bị vũ khí quân dụng theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.
09 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng từ 01/01/2025 (Hình từ internet)
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024.
09 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng từ 01/01/2025
Theo đó, tại Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 quy định 09 đối tượng sau đây được trang bị vũ khí quân dụng từ 01/01/2025:
(1) Quân đội nhân dân;
(2) Dân quân tự vệ;
(3) Cảnh sát biển;
(4) Công an nhân dân;
(5) Cơ yếu;
(6) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
(7) Kiểm lâm, Kiểm ngư;
(8) An ninh hàng không;
(9) Hải quan cửa khẩu; lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan; lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng từ 01/01/2025
Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 như sau:
- Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.
- (*) Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
+ Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
+ Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo;
+ Việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
+ Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
+ Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
- Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản (*) và Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại khoản (*) và Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Lưu ý: Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định nêu trên; trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.