Hà Nội: Thời tiết nắng - mưa thất thường, gia tăng trẻ nhập viện

28/05/2022 11:07

Gục đầu ủ rũ trên vai mẹ, bé Q.A (hơn 2 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn trong cơn sốt, mè nheo, quấy khóc. Tình trạng sốt cao này của bé từ vài ngày trước khi nhập viện. Bé được chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn, viêm phế quản, phải nhập viện điều trị ngay.

Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) những ngày gần đây chật kín giường. BS Nghiêm Thị Mai Sang - Phó trưởng khoa Nhi - cho biết lượng bệnh nhi gần đây phải nhập viện tăng mạnh, gấp đôi tháng trước. Thời tiết được cho là yếu tố tác động mạnh.

Trong số gần 100 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại khoa, có tới 70% bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…

Qua xét nghiệm cho thấy chủ yếu trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, loại virus có thể xâm nhập và gây tổn thương biểu mô đường thở, gây viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp, phù nề dẫn tới khó thở, suy hô hấp ở trẻ...

Bên cạnh viêm phổi, viêm phế quản, số trẻ bị sốt và tiêu chảy, nôn cũng gia tăng; căn nguyên chủ yếu được xác định cũng là do virus.

Khoảng 10 ngày trước, bé T.N (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị ho khan, sổ mũi vài ngày thì bỗng xuất hiện thở rít. Gia đình vội đưa con đi viện, chẩn đoán viêm tiểu phế quản phải nhập viện điều trị.  

284404075_382199977278720_1918523341486190875_n.jpg

Bệnh nhi mắc các bệnh lý liên quan đường hô hấp điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Lê Ngọc

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gần đây mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 200 lượt thăm khám liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp. Riêng tại Trung tâm Hô hấp có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện/ngày do mắc các bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Tình trạng tương tự tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Các bác sĩ cho biết lượng bệnh nhi khám các bệnh về đường hô hấp gia tăng do sự thay đổi thời tiết. 

Mỗi ngày tại khoa Nhi của viện có khoảng 80 - 100 trẻ đến khám các bệnh lý liên quan viêm phổi, viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm tiểu phế quản. Nhiều trẻ cũng gặp tình trạng về tiêu hóa như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy, phải khám và nhập viện.

Một bệnh lý truyền nhiễm khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội là tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 175 ca tay chân miệng được báo cáo, riêng trong tuần từ 14-20/5 có tới 85 ca.

Tại Khoa Hồi sức tích cực Nhi thuộc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, số ca nhập viện do bệnh lý này tăng đột biến. 

Hà Nội: Thời tiết nắng - mưa liên tục, gia tăng trẻ nhập viện  - Ảnh 3.

Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: HN

BS Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa, cho hay mỗi ngày hệ thống phòng khám ở Bệnh viện tiếp nhận tới vài chục bệnh nhân đến khám vì có biểu hiện, triệu chứng liên quan tay chân miệng. Đa phần trẻ được cho về điều trị ngoại trú nhưng một số vẫn phải nhập viện điều trị nội trú vì có dấu hiệu nặng của bệnh.

Những sai lầm khi chăm sóc con ho, sốt

Đáng nói, bên cạnh những trường hợp cha mẹ đưa con đi khám sớm thì vẫn còn những trường hợp chủ quan, tự ý điều trị cho trẻ. Một số bé nhập viện đã trong tình trạng suy hô hấp, thở rít, sốt. 

Một số trẻ còn nhiễm trùng khá nặng do cha mẹ cho dùng kháng sinh không đúng. Nếu trẻ bị virus tấn công, kháng sinh không có tác dụng mà còn làm tình trạng nặng hơn, thậm chí có trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết, theo BS Mai Sang.

Một sai lầm nghiêm trọng của một số phụ huynh là khi trẻ có biểu hiện sốt cao, thay vì chườm ấm, nhiều mẹ lại chườm lạnh cho con. Điều này rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ cảm lạnh.

Một số biểu hiện trẻ nhiễm virus RSV 

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, virus là một trong những tác nhân quan trọng gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV). Ngoài ra, còn có các loại virus khác như: Rhinovuris, hMPV, Andenovirus, cúm,…

Bệnh lây truyền qua giọt bắn và dịch tiết của đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.

- Dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi…

- Giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh

- Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở

Để phòng bệnh, cần: 

- Tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi

- Trẻ cần vệ sinh tay và thân thể sạch sẽ; vệ sinh mũi họng thường xuyên (nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lí).

- Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay…

- Cha mẹ cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn trẻ – có thể làm lây lan virus.

Theo Thu Nguyên/SK&ĐS

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-thoi-tiet-nang-mua-that-thuong-gia-tang-tre-nhap-vien-16922052809384248.htm