Tân sinh viên cảnh giác những chiêu trò lừa đảo dễ gặp phải
Sau khi đăng ký nguyện vọng, trúng tuyển Đại học, các tân sinh viên cần chuẩn bị để bắt đầu hành trình học tập tại ngôi trường yêu thích. Có nhiều vấn đề sinh viên sẽ gặp phải trong học tập lẫn đời sống. Một trong những vấn đề phổ biến và đáng lo ngại mà sinh viên mới có thể gặp phải là các hình thức lừa đảo.
Các chiêu trò lừa đảo liên quan vấn đề thuê trọ
Giả dạng chủ nhà trọ cho thuê
Khi thuê trọ, tân sinh viên có thể gặp trường hợp kẻ lừa đảo giả dạng chủ nhà trọ để cho thuê. Kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận những sinh viên còn lạ lẫm với khu vực, sau đó đóng giả làm chủ phòng trọ, ngỏ ý dẫn khách đi xem các căn phòng trọ từ ngoài trước.
Cuối cùng đưa ra gợi ý giá thuê rẻ và mồi chài đặt cọc bằng nhiều lý do, phổ biến như "giá rẻ như này không cọc thì sẽ có người khác thuê", "đang có nhiều người hỏi thuê phòng lắm", … đánh vào tâm lý thấy số tiền không quá lớn, hoặc nhìn bên ngoài phòng cũng ưng ý hoặc tin tưởng đối tượng nên sẵn sàng đặt cọc. Tuy nhiên, đến thời điểm chuẩn bị dọn đồ vào ở thì không còn liên lạc được, đến nơi mới biết được sự thật. Tuy nhiên, chiêu trò này lại lừa được rất nhiều người cả tin, không đề phòng, cảnh giác.
Ngày nay, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, hình thức lừa đảo này còn xảy ra nhiều trên không gian mạng. Các bài đăng trên nền tảng với nội dung cho thuê kèm hình ảnh và giá dịch vụ thu hút nhiều lượt tương tác và quan tâm của nhiều người có nhu cầu tìm phòng trọ, trong đó có các tân sinh viên.
Giống như cách thức nói trên, các tài khoản lừa đảo nhắn tin trao đổi các thông tin về phòng cho thuê, yêu cầu cọc tiền mới giữ phòng cho khách. Bởi tâm lý sợ mất phòng ưng ý nên người thuê phòng đã cọc số tiền mà các đối tượng yêu cầu, sau đó bị chặn hết thông tin liên lạc và đến địa chỉ phòng trọ cũng không có thật.
Ở ghép để lừa đảo tài sản
Hình thức lừa đảo thứ 2 liên quan vấn đề thuê trọ là thông qua việc ở ghép. Các đối tượng sẽ giả danh làm người có nhu cầu ở ghép, tiếp cận các bài đăng tìm người ở ghép và xin được ở ghép cùng. Những đối tượng này thường viện nhiều lý do để từ chối cung cấp thông tin cá nhân, các ràng buộc cần thiết. Sau đó, nhân lúc sơ hở sẽ lấy đi hết các tài sản giá trị. Đến lúc biết chuyện thì tài sản mất hết mà cũng không thể tìm được bạn cùng phòng.
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo mời mua đồ nhân đạo
Đây là hình thức lừa đảo dựa vào tình thương của con người. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tốt và sự nhẹ dạ cả tin của các bạn sinh viên, giả tật nguyền hoặc nghèo khổ, dẫn theo trẻ con… rồi mời mua ủng hộ các đồ dùng nhân đạo như tăm, bút bi, bông ngoáy tai.
Hơn nữa, các đối tượng lừa đảo còn thúc giục người mua bằng cách dúi thẳng vào tay rồi nhanh chóng xin họ tên, số điện thoại để ghi vào sổ những tấm lòng hảo tâm. Sau khi ký tên, sẽ đưa tăm tre và ghi vào sổ mức giá trên trời có thể lên đến cả 100.000 đồng/gói. Nhiều người không trả tiền thì ngay lập tức bị dọa nạt, quát tháo, thậm chí giữ người lại để gọi đồng bọn xung quanh.
Hình thức lừa đảo liên quan vấn đề việc làm
Khi bước vào cánh cửa đại học, nhiều sinh viên muốn đi làm thêm để trang trải phụ giúp gia đình. Vì còn bỡ ngỡ và chưa có nhiều trải nghiệm, sinh viên dễ rơi vào tầm ngắm của các đối tượng lừa đảo.
Xin việc phải đóng phí
Cách để nhận biết hình thức lừa đảo này là các thông tin về việc làm đều mập mờ, không rõ ràng và đồng nhất. Khi sinh viên liên hệ thì sẽ nhận được những thông tin về các mức lương hấp dẫn, phụ cấp và cơ hội kiếm tiền rộng mở. Tuy nhiên, sau đó phải đóng một khoảng phí cho các công ty, tổ chức này với các lý do như làm đồng phục, làm hồ sơ, cọc "giữ chỗ"... Để lấy được sự tin tưởng, các đối tượng lừa đảo sẽ cam kết trả lại số tiền đó sau khi đi làm. Vì sợ không giữ được chỗ làm việc tốt, vì thế mà nhiều sinh viên đã sập bẫy, dẫn đến mất tiền oan.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng để rao tin tuyển dụng thường có nội dung hấp dẫn như "việc nhẹ, lương cao", mức hoa hồng rất cao…khiến sinh viên tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống và tin tưởng.
Các việc lừa đảo việc làm online
Để có thể tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển và sắp xếp được linh hoạt với lịch học, nhiều sinh viên lựa chọn các công việc làm online tại nhà.
Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thủ đoạn sử dụng email, website, group, fanpage giả mạo các tập đoàn lớn để tuyển dụng việc làm. Khi ứng viên tham gia ứng tuyển, các đối tượng mời ứng viên phỏng vấn online và yêu cầu tham gia nền tảng chat dành cho doanh nghiệp là Workplace. Sau đó, đối tượng lừa đảo cung cấp số tài khoản yêu cầu ứng viên chuyển tiền phí ứng tuyển để tham gia vòng phỏng vấn tiếp theo hoặc nạp tiền vào các dự án an sinh xã hội rồi chiếm đoạt số tiền trên.
Tiếp theo là hình thức làm nhiệm vụ để nhận tiền hoa hồng. Theo đó, người tham gia các công việc này sau 1-2 lần làm nhiệm vụ mà các đối tượng đưa ra như xem video, like share hoặc đầu tư vào đơn hàng online với giá trị nhỏ sẽ nhận được tiền thật của các đối tượng. Tiếp đó, nhận được tiền lời và bắt đầu tin tưởng thực hiện những nhiệm vụ ở cấp cao hơn, với số tiền nạp lớn để nhận lời nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau 1-2 lần bị "dụ ngọt" lấy hoa hồng một cách nhanh chóng, dễ dàng thì số tiền nạp ngày càng nhiều, người tham gia sẽ không rút được tiền về tài khoản. Lúc này, các đối tượng yêu cầu người tham gia nộp thêm tiền vào thì mới rút được tiền về tài khoản, nhưng càng nộp tiền thì nạn nhân càng bị mất thêm tiền. Đây là cái bẫy nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân một cách dễ dàng.
Bẫy bán hàng đa cấp
Sinh viên dễ sa vào các lời quảng cáo, tin tuyển dụng được rao trên mạng xã hội với nội dung như: mức thu nhập "khủng", chiết khấu hoa hồng cao, dễ thăng tiến,... Những đối tượng lừa đảo thường đưa ra những lời 'dụ dỗ ngọt như mật' để thuyết phục sinh viên tham gia bán hàng đa cấp.
Để tăng "uy tín" cho việc dụ dỗ, thuyết phục các tân sinh viên, các đối tượng cho phép sinh viên dùng miễn phí sản phẩm; hỗ trợ kinh phí để "làm quen" với sàn giao dịch; tặng quà, tặng khóa học…
Ban đầu, sinh viên vẫn có lợi nhuận đầu tư, nhận được hoa hồng sản phẩm và có thể rút tiền về ngân hàng. Sau một thời gian, các đối tượng yêu cầu người tham gia phải đặt tiền cọc; liên tục "đổ tiền" vào để mua hàng, làm nhiệm vụ; góp vốn đầu tư, mua cổ phiếu, tiền ảo… Với những mức thu hấp dẫn từ việc giới thiệu nhiều người vào hệ thống, sinh viên bắt đầu rủ người thân, bạn bè tham gia và "đổ" nhiều tiền vào mua hàng, đầu tư…. Thế nhưng, khi đã lừa được nhiều người, thì các sàn giao dịch báo lỗi và không thể rút được tiền, các "leader", "chuyên gia" và công ty đa cấp trá hình lập tức "bốc hơi". Bán hàng đa cấp bằng nhiều hình thức lâu nay đã biến tướng trở thành lừa đảo.