Ngâm đũa vào lọ giấm trước khi ăn, vị khách khiến nhiều người phẫn nộ
Ngâm đũa vào lọ giấm tỏi trong lúc chờ chủ quán làm phở, người phụ nữ U70 khiến nhiều người bức xúc.
Hành động lạ của vị khách khiến người chứng kiến "giật mình" (ảnh: T.L.P)
Mới đây, một tình huống nhỏ tại quán ăn được tài khoản T.L.P. chia sẻ, thu hút sự quan tâm của đông đảo dân mạng.
Chuyện xảy ra tại một quán phở trong ngõ Trung Yên (Hà Nội). Một vị khách ở độ tuổi U70 có hành động khó hiểu khiến người chứng kiến “đứng hình”.
Cụ thể bài đăng: “Sáng sớm, mưa tầm tã, lao lên gặp em T. (ngõ Trung Yên). Phở vẫn ngon vậy nhưng nay gặp bà chị U70 trong khi chờ phở đã nhanh trí ngâm ngay đôi đũa vào lọ giấm tỏi cho đảm bảo vệ sinh rồi gọi cốc trà nóng ung dung ngồi đợi.
Mình có hỏi nhỏ: ‘Sao chị lại ngâm đũa vào đây?’ thì chị chỉ im lặng nguýt mình một cái cháy mặt, ý là: ‘Cho sạch thôi mà...".
Bài viết được đăng tải trong một nhóm kín thu hút nhiều lượt tương tác. Đa phần mọi người đều cho rằng, hành động ngâm đũa vào lọ giấm để làm sạch là việc làm thiếu văn minh, lịch sự.
Nickname Hoàng Oanh viết: “Dù là đôi đũa chưa ăn dở thì việc nhúng nó vào lọ giấm chung của quán vẫn rất mất vệ sinh. Còn ai muốn động vào lọ giấm ấy nữa nếu nhìn thấy cảnh này. Là mình thì mình cũng chẳng còn hào hứng ăn phở nữa luôn”.
Nickname Hoài Thu chia sẻ: “Thi thoảng đi ăn mình cũng gặp mấy người ngoáy đôi đũa đang ăn dở vào lọ giấm hoặc dùng thìa ăn dở múc nước ớt chưng. Nhìn phản cảm cực kỳ. Có nhiều cách để làm sạch đũa như dùng giấy lau hoặc vắt miếng chanh xát vào đầu đũa. Mình vẫn thường làm vậy, thấy vệ sinh hơn nhiều”.
Nickname Thu Khánh – người từng gặp tình huống tương tự chia sẻ: “Mình từng gặp và đổ lọ giấm đi ngay trước mặt khách. Rất nhẹ nhàng nhưng chắc khách hiểu, không có lần sau”.
Một số người còn đưa ra gợi ý, chủ quán nên dán dòng chữ: “Giấm để ăn chứ không để ngâm đũa” để đảm bảo tình trạng này không xảy ra ở quán ăn của mình.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều tình huống éo le xảy ra nơi quán ăn, nhà hàng. Nhiều người thừa nhận, hành vi thiếu ý thức của người khác tại quán ăn khiến họ không còn cảm giác ngon miệng.
Phương Linh (Hà Nội) kể, khi đi ăn phở ngoài quán, cô từng gặp trường hợp khách ném giấy ăn bẩn vào bát nước phở thừa, trong khi thùng rác kê ngay dưới chân.
Theo cô, dù đã dùng bữa xong nhưng hành vi đó vẫn khiến người khác thấy phản cảm và mất hứng thú ăn uống.
“Chuyện ném giấy ăn xuống đất thì quá quen rồi. Mỗi lần bước vào quán ăn nào đó, thấy nền nhà đầy những giấy, rác, vỏ chanh, quất mình lại ngán ngẩm rồi lặng lẽ đi ra. Không hiểu tại sao thùng rác ngay dưới chân mà họ không nhìn thấy, cứ phải ném rác ra ngoài mới chịu được”, Linh bức xúc kể.
Nguyễn Vương (Hà Nội) cũng từng mất cảm hứng ăn uống khi gặp một tình huống oái oăm tại quán ăn.
Vương kể, bữa đó anh bước vào quán bún ốc ven đường với chiếc bụng đói. Khi chủ quán bê bát bún nghi ngút khói ra trước mặt, anh háo hức thưởng thức thì bỗng thấy vị khách bên cạnh xì mũi vào tờ giấy ăn, sau đó vo tròn và ném vào bát bún thừa.
Hành động ấy khiến anh buồn nôn, quyết định trả tiền và rời quán với chiếc bụng đói.
“Mình còn từng bị một vị khách ngồi đối diện ném cái tăm vừa xỉa xong vào bát bún vì tưởng mình đã ăn xong rồi”, Vương chia sẻ.
Đoàn Hòa (Hải Dương – chủ một quán bún tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều năm kinh doanh quán ăn, cô gặp nhiều vị khách có hành vi thiếu ý thức.
Có lần, Hòa gặp một vị khách oái oăm, nhất quyết yêu cầu chủ quán phải nhúng thìa, đũa vào nồi nước dùng nóng hổi để tiệt trùng. Cô từ chối và giải thích, bát đũa của quán đã được rửa, tráng nước sôi và sấy khô sạch sẽ. Thế nhưng, vị khách đó vẫn muốn làm theo ý mình, khi không được đáp ứng thì tức tối bỏ đi.
“Khách lịch sự nhiều mà khách vô duyên cũng có. Khi mới mở quán, tôi còn e ngại trong việc nhắc nhở chứ bây giờ, gặp vị khách nào ý thức kém tôi thẳng thắn góp ý luôn. Họ tự ái thì tôi cũng không cần tiếp. Quán ăn là để phục vụ số đông mà”, Hòa chia sẻ.
Theo VietNamnet