Chuyển đổi số từ tài chính tới... trái dừa: UOB tự gửi email chứa mã độc để kiểm tra nhân viên, Betrimex có hệ thống tự động đếm hàng chục trái dừa mỗi giờ, không cần kiểm lại
Theo đại diện từ ngân hàng UOB, chuyển đổi số đúng là nên đầu tư những gì cần thiết cho công việc hiện tại và những việc thiết thực, chứ không nên ôm đồm quá nhiều, vì công nghệ thay đổi rất nhanh và mắc tiền. Mới đây, doanh nghiệp đầu ngành dừa – Betrimex đã chế tạo ra hệ thống đếm dừa tự động, công nghệ chẳng có gì mới mẻ trên thế giới song cần thiết cho hoạt động của họ.
Theo khảo sát Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của Ngân hàng quốc tế UOB, gần 9/10 DN ở Việt Nam đã triển khai chuyển đổi số (CĐS) cho một hoặc nhiều phòng ban, trong đó 41% lãnh đạo khẳng định: quá trình CĐS đã diễn ra trên toàn bộ doanh nghiệp. Những ngành được số hóa mạnh mẽ nhất: công nghệ truyền thông – viễn thông với tỷ lệ 95%, công nghiệp – dầu khí 91%.
Mặc dù 3/5 DN Việt đã đạt được những thành tựu từ các nỗ lực CĐS, tuy nhiên số lượng DN thành công trong năm 2023 đã giảm so với năm 2022: 63% so với 73%. Các lĩnh vực đã được ưu tiên số hóa, bao gồm: xuất hóa đơn điện tử, quản lý nguồn nhân lực, quản trị chi phí, quản lý kho bãi, chăm sóc khách hàng…
Trong năm 2024, sẽ có 4/5 DN dự kiến tăng cường đầu tư vào CĐS, trong đó hầu hết DN tăng 10% đến 25% ngân sách. Các nỗ lực CĐS sẽ tiếp diễn ra ở các bộ phận trong nội bộ với tốc độ tương đối tương đồng, nhưng sự kiến sẽ đẩy nhanh hơn đối với các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Mặt khác, có 5 rào cản chính khiến nhiều DN chưa CĐS thành công hoặc không dám mạnh tay CĐS: nhân lực thiếu hụt chuyên môn, nền tảng và giải pháp sẵn có không còn phù hợp, quan ngại về an ninh mạng, giải pháp số hóa quá tốn kém để duy trì, giải pháp số hóa đã áp dụng không phù hợp với nhu cầu.
Vấn đề an ninh mạng nên là ưu tiên trong chuyển đổi số, đặc biệt là ở lĩnh vực tài chính
"Nếu so sánh với nhiều nền kinh tế trong khu vực ASEAN, thì thành tựu CĐS của các DN Việt Nam khá ấn tượng. Tuy nhiên, rõ ràng, quá trình CĐS của các DN Việt vẫn còn nhiều thách thức, rủi ro về an ninh mạng cũng như kiểm soát chi phí.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên cho rằng bỏ tiền vào CĐS là chi phí mà là đầu tư. Tiến trình chuyển đổi số đúng là nên đầu tư những cái gì cần thiết cho công việc hiện tại và một chút thứ mình muốn cho tương lai, chứ không nên ôm đồm quá nhiều; vì mức độ phức tạp của công nghệ và nó luôn thay đổi nhanh chóng, mắc tiền.
Để đầu tư hạ tầng bài bản cho chuyển đổi số - ví dụ như phần cứng, chúng ta cần phải chi tiêu rất nhiều tiền. Đó là một hành trình dài! Còn để nhanh chóng có thể sử dụng và không tốn quá nhiều tiền, chúng ta nên mua vài phần mềm, trước nhất là để phòng ngừa xâm nhập trái phép qua mạng – đặc biệt với DN làm trong mảng tài chính như chúng tôi. Chúng ta phải làm sao để có thể kiểm soát được các máy tính của nhân sự, nhằm ngăn ngừa rủi ro tin tặc.
Trong trường hợp khách hàng của chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu hoặc cần thêm cái gì, chúng tôi thường khuyên họ là nên nhìn vào các đối thủ của mình đang có gì", ông Lim Hock Guan – Giám đốc Khối Công nghệ thông tin và Vận hành, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Lim Hock Guan miêu tả cụ thể hơn: Ngoài cần phải nghiêm túc - cam kết thực hiện đúng các quy trình làm việc nhằm bảo đảm an ninh mạng, thì DN cần phải liên tục giáo dục ý thức cảnh giác – nâng cao hiểu biết để nhân sự có thể nhận thức được khi gặp rủi ro.
"Việc kiểm soát thiết bị trong văn phòng và của nhân sự là điều DN cần phải làm, để có thể giám sát tất cả hoạt động của nhân viên, bắt đầu từ việc biết họ gửi hoặc nhận emal/file gì. Bên cạnh đó, DN cần khuyến khích các nhân sự nên hoặc không nên làm cái gì, phải giám sát để cảnh báo họ không được truy cập vào các trang web xấu này hoặc đường link chứa đựng nhiều rủi ro kia.
Ở UOB, để kiểm tra hiệu quả của việc thường xuyên giáo dục nhân sự về an ninh mạng, chúng tôi đã bí mật gửi một email lừa đảo cho tất cả nhân viên các nước và thật sự là có người đã click vào. Trong tất cả, tỷ lệ dính bẫy của email lừa đảo nói từ của tập thể nhân sự UOB Việt Nam là thấp nhất", ông Lim Hock Guan kể tiếp.
Cũng theo ông Lim, ngày nay, hồ sơ khách hàng của UOB cũng đã thay đổi nhiều, mọi người thích làm ứng dụng hơn tất cả vì xây dựng một app đã khá đơn giản.
Theo đó, công nghệ đã mang đến cho DN và người tiêu dùng những điều rất tuyệt vời. Với DN, thông tin và dữ liệu khách hàng mà họ đã thu thập được thông qua các kênh online là một tài nguyên màu mỡ cho câu chuyện kinh doanh trong tương lai. Đây thật sự là một 'hũ vàng' nếu DN biết cách khai thác. Với người tiêu dùng, họ có thể đối thoại với bất kỳ ai dù bất đồng ngôn ngữ, ví dụ khách hàng nhắn tiếng Anh trên app Grab Việt Nam và app này sẽ tự chuyển ngữ sang tiếng Việt cho bác tài người Việt.
Betrimex là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dừa Việt Nam sử dụng hệ thống đếm dừa tự động
Phần mình, bà Đặng Huỳnh Ức My – Chủ tịch Betrimex kiêm Chủ tịch TTC AgriS, cho biết: việc hơn 85% sản lượng của Betrimex đang xuất khẩu sang 70 quốc gia, thì chuyển đổi số là câu chuyện bắt buộc của DN.
"Thời nay, làm nông nghiệp là phải có số thì mới có năng lực cạnh tranh toàn cầu và dẫn dắt ngành nghề ở quốc nội. Hiện tại, một trong những thuận lợi giúp các DN nông nghiệp Việt mạnh dạng chuyển đổi số, là hầu hết các hệ thống quản lý – quản trị hoặc ứng dụng đều đã được Việt hóa, chứ hồi xưa chúng đều 100% tiếng Anh. Mà như chúng ta biết, nhân lực trong ngành nông nghiệp có khả năng ngoại ngữ thường kém hơn các mảng khác.
Hiện Betrimex đang có 5 ứng dụng – hệ thống công nghệ được sử dụng cho việc quản lý nhiều bộ phận và phòng ban khác nhau: hệ thống DigiFarm, DigiFactory, ERP, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng SCM, hệ thống phân tích dữ liệu theo dõi từ nông trường đến nhà máy/từ nhà máy đến trạm", bà Ức My cho biết.
Ứng dụng DigiFarm là nơi mà người nông dân ghi lại quá trình canh tác hằng ngày của mình, thời gian xuống giống – xuống phân – tiến trình sinh trưởng của cây; nhằm giúp DN có kế hoạch sản xuất – nhận đơn hàng tốt hơn. Ứng dụng DigiFactory giúp liên kết giữa DN và các đối tác nguyên liệu – bán hàng, các bên có thể tương tác qua lại theo dữ liệu thời gian thực.
Năm 2024, Betrimex chính thức đưa vào vận hành hệ thống Farmer Relationship Management (FRM), để quản trị vùng nguyên liệu dừa. Theo chia sẻ của Betrimex, thì FRM chính là mắt xích quan trọng cho hệ thống công nghệ toàn diện mà họ đang hướng đến để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam.
"Tất cả những ứng dụng và hệ thống nói trên giúp các bên liên quan trong chuỗi cung ứng của Betrimex có thể đọc hiểu nhau, hỗ trợ chúng tôi tham gia tích cực – chủ động và chuyên nghiệp hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau đó, những kinh nghiệm số hóa của Betrimex sẽ được chúng tôi áp dụng không chỉ cho cây dừa, mà còn cho cây mía, chuối, gạo…", Chủ tịch TTC AgriS tiết lộ.
Betrimex không chỉ số hóa việc quản lý, quản trị từng bộ phận và DN cũng như chuỗi cung ứng, mà còn cho từng công việc cụ thể.
Mới đây, DN đã chế tạo và đưa vào sử dụng hệ thống đếm dừa tự động từ các bộ phận máy móc đã qua sử dụng của công ty – họ là công ty ở ngành dừa ở Việt Nam đầu tiên làm điều này. Hệ thống chủ yếu sử dụng băng chuyền và AI để đếm từng quả dừa, lấy cảm hứng từ hệ thống chia chọn hàng hóa của các công ty logistic chuyên phục vụ ngành TMĐT.
Trước đây, chuyện đếm dừa ở Betrimex chủ yếu do con người thực hiện và thỉnh thoảng sẽ có những sai sót xảy khiến quá trình kinh doanh của DN gặp trở ngại khi làm việc với các bên đối tác. Với việc có thể đếm vài chục ngàn trái dừa trong 1 giờ, hệ thống đếm tự động này giúp các xe chở dừa quay đầu nhanh hơn, DN cũng không cần cho người kiểm đếm lại…
Sau đó, Betrimex có số liệu chính xác, cụ thể, minh bạch để làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu cũng như các cơ sở sơ chế - biết được tỷ lệ thu hồi nhằm tính toán chi phí dễ dàng hơn. Với sự có mặt của hệ thống đếm này, năng suất đầu vào của Betrimex tăng gấp 2 đến 3 lần, nhân sự có thể tập trung hơn vào phân loại chất lượng – kích thước trái dừa.