Không chỉ tủ lạnh, máy giặt… ít ai biết Panasonic Việt Nam chiếm 50% thị phần sản phẩm “nhà nào cũng có”, vừa chi 240 tỷ xây nhà máy mới, nâng công suất thêm 1,8 lần
Theo chia sẻ của đại diện nhà máy, nhu cầu về các thiết bị điện những năm đầu tăng đến 100-150%/năm, hiện đang bình ổn ở mức 10%/năm.
Panasonic – thương hiệu Nhật Bản đã quá quen thuộc tại Việt Nam với các sản phẩm gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ. Song, ít ai biết Tập đoàn này đã và đang phát triển một mảng thông dụng khác và chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm trong khối ASEAN, chính là sản xuất thiết bị nối dây (ổ cắm điện, phích cắm, công tắc…).
Panasonic còn được biết đã chi hơn 240 tỷ đồng đầu tư nhà máy mới Panasonic Electrics tại Bình Dương. Trong đó, nhà máy đã bắt đầu sản xuất các thiết bị nối dây từ đầu năm 2024, dự kiến đẩy công suất của hãng lên 1,8 lần so với mức khoảng 150 triệu thiết bị/năm hiện nay.
Về Panasonic, Tập đoàn có tiền thân là “Xưởng sản xuất đồ gia dụng điện tử Matsushita” được lập bởi Matsushita Konosuke từ năm 1918. Đến nay, Panasonic đã trở thành một trong những thương hiệu lớn trên toàn cầu với doanh thu năm qua hơn 8.496 tỷ yên (tương đương 56 tỷ USD). Vốn điều lệ Công ty đang vào mức 259,4 tỷ yên (1,7 tỷ USD) với 512 công ty trực thuộc, 228.420 nhân viên.
Trong đó, Panasonic Electric Works (PEW), 1 trong 5 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Panasonic tham gia phát triển các cơ sở hạ tầng đô thị gồm thiết bị nối dây, các sản phẩm liên quan đến HEMS/BEMS và hệ thống chiếu sáng. Về quy mô bán hàng, đây cũng là công ty lớn nhất của Tập đoàn.
Riêng mảng kinh doanh thiết bị nối dây (ổ cắm điện, phích cắm, công tắc…), doanh nghiệp này nắm giữ thị phần lớn thứ 2 toàn cầu, trong đó là thương hiệu top 1 tại Nhật Bản (80% thị phần), Việt Nam (50% thị phần), Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm tài chính 2021.
Theo đại diện Panasonic, một trong những trọng tâm chính của Tập đoàn chính là mở rộng mảng kinh doanh này và Việt Nam được xác định là quốc gia trọng điểm, quan trọng nhất tại khối ASEAN trong việc mở rộng.
Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2024, vốn điều lệ của Panasonic Việt Nam đang mức 243 triệu USD với 7 công ty thành viên, bao gồm các hoạt động từ phát triển, sản xuất đến bán hàng.
Ở khu vực Tp.HCM, Tập đoàn có 2 đơn vị là Panasonic Electric Works Vietnam (PEWVN) vốn điều lệ 19 triệu USD, đang vừa sản xuất và bán hàng cầu dao tổng và Panasonic AVC Networks Việt Nam (PAVCV) sản xuất TV LCD cùng Bo mạch nguồn.
Trong đó, PEWVN đang hoạt động với tư cách là một “công ty quản lý tổng hợp sản xuất và bán hàng” tập trung vào mảng vật liệu điện, thiết bị chiếu sáng và IAQ. Đây là một trong những mảng trọng điểm Tập đoàn đẩy mạnh trong tương lai.
Thông qua ba lĩnh vực kinh doanh, PEWVN cung cấp “điện, ánh sáng, không khí/nước” và cơ sở hạ tầng toàn diện cho cuộc sống hàng ngày, cụ thể:
+ Mảng ECM: Cung cấp sản phẩm cơ sở hạ tầng đảm bảo về điện như thiết bị nối dây, cầu dao, bảng phân phối điện…
+ Mảng Lighting: Cung cấp thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cho nhà ở và cơ sở kinh doanh;
+ Mảng IAQ: Cung cấp sản phẩm cơ sở hạ tầng đảm bảo về không khí, nước như quạt trần, quạt thông gió, máy bơm….
Theo chia sẻ của đại diện nhà máy, nhu cầu về các thiết bị điện những năm đầu tăng đến 100-150%/năm, hiện đang bình ổn ở mức 10%/năm. Năm 2022, tổng doanh thu PEWVN đạt 3.700 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần sau 10 năm.
Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là mảng ECM với 2.100 tỷ đồng – tương đương 55% tổng doanh thu. Trong tương lai, PEWVN nhấn mạnh sẽ tập trung vào hệ thống dây điện, như MCCB (cầu dao công suất lớn sử dụng trong các chung cư…).