Khó ăn uống, cụ bà đi khám phát hiện tắc ruột phải mổ cấp cứu
Khó ăn uống, buồn nôn, cụ bà đi khám được các bác sĩ chẩn đoán u đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng, gây tắc ruột cần phải phẫu thuật.
Cụ bà 92 tuổi, Hà Nội từng mổ mở cắt u đại tràng từ 35 năm trước, có bệnh hẹp và suy mạch vành, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu. Gần đây, cụ yếu ớt, suy kiệt nặng, bụng đau chướng, khó ăn uống, mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, đi ngoài ra máu, rối loạn điện giải.
Gia đình đưa cụ đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bị u đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng, gây tắc ruột cần phải được phẫu thuật sớm nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Theo các chuyên gia, với một bệnh nhân rất cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền, suy dinh dưỡng khi chỉ nặng 35kg thì việc quyết định phẫu thuật là "một vấn đề hóc búa với ê-kíp điều trị".
Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, bệnh nhân đã được chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng, hỗ trợ hô hấp, tim mạch.
Qua các cuộc hội chẩn liên khoa, TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa và ê-kíp, Bệnh viện Bạch Mai đã chọn phương án phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Đồng thời, ê-kíp gây mê hồi sức cũng lên phương án về gây mê, truyền dịch hiệu quả nhất.
Theo bác sĩ Hùng, mổ nội soi cho người cao tuổi, việc gây mê gặp nhiều thử thách. Vì vậy, các bác sĩ phải chọn được thuốc gây mê, thuốc giãn cơ phù hợp với thể trạng người bệnh... Kíp phẫu thuật vừa phải chạy đua với thời gian vì người bệnh trên 90 tuổi, vừa thực hiện những thao tác kỹ thuật khó.
"Bệnh nhân có khối u trực tràng đã lồng ruột, tắc ruột gây phù nề, ruột đã căng dãn, đã có vết mổ mở rất dài ở giữa bụng trước đó. Tuy nhiên, chúng tôi đã có phương án kỹ thuật phù hợp để bằng mọi giá cứu được bệnh nhân", BS Hùng thông tin.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ. Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số ổn định, đã rút được ống thở. Sau 6 ngày, bệnh nhân đã ăn uống sinh hoạt gần như bình thường và tập vận động trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.