Những 'chiến công' thời bình của những cựu binh Bắc Kạn
Không chỉ đóng góp, hy sinh cho công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, mang lại hòa bình cho đất nước, nhiều gia đình có công ở Bắc Kạn không ngừng cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tham gia nhập ngũ năm 1986, trải qua 3 năm 6 tháng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1989, ông Lường Ngọc Lục, thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh (Chợ Đồn) được xuất ngũ trở về địa phương. Cũng giống như bao hộ gia đình khác trong thôn, cuộc sống của gia đình ông Lục phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp (trồng lúa, trồng ngô) nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Trải qua bao nhiêu năm, ông Lục nhận thấy nếu chỉ làm ruộng, nương,... thì dù có cố gắng cũng chỉ đủ ăn, khó có thể làm giàu được. Với lợi thế địa phương có đồng cỏ chăn thả, nguồn thức ăn dồi dào phù hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, năm 1991, ông Lục đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng với số vốn tích góp của gia đình để mua bò sinh sản về nuôi.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, song song với việc chăn nuôi bò sinh sản, gia đình ông Lục tiếp tục duy trì diện tích sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thêm lợn, gà,… để vừa có thêm nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống hằng ngày, vừa có vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, vừa làm, vừa học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, đàn bò của gia đình ông Lục phát triển tốt, sau 5 năm đã tăng lên 20 con. Để mở rộng quy mô tổng đàn và tăng thu nhập, ông Lục đã quyết định chuyển chuồng trại vào khu kinh tế mới cách nhà hơn 1 km để thuận lợi cho việc chăn thả.
Khu kinh tế mới có diện tích hơn 50 ha, trong đó một phần là núi đá cao nên ông Lục đã khai thác phần chân núi, diện tích đất bằng để làm bãi chăn thả và quy hoạch 5.000m2 trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Hiện tại, ông Lục đang có tổng đàn 32 con, trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng 10 con bò thương phẩm, mỗi con có giá dao động từ 12 - 15 triệu đồng, một năm từ bán bò ông Lục đã có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Lục cũng nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt và trồng thêm 1 số cây như xoan và quế.
Từ các mô hình chăn nuôi và sản xuất nông, lâm nghiệp, đến nay, gia đình ông Lục đã vươn lên trở thành hộ khá giả tại địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, ông còn là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Là hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp hội phát động. Ông được các cấp hội tặng nhiều Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu".
Tương tự, từ nhiều năm nay, thương binh hạng 2/4 Hà Ngọc Tú (SN 1963) ở tổ dân phố số 7, phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Bắc Kạn không chỉ được người dân trong tổ yêu mến mà còn khiến cán bộ chính quyền địa phương nể phục bởi lối sống đầy trách nhiệm với cộng đồng.
Năm 1983, ông Hà Ngọc Tú nhập ngũ và đóng quân tại Đồng Bẩm (Thái Nguyên). Tháng 9/1983, ông được cử đi học sĩ quan ở Sơn Tây (Hà Nội). Đến năm 1986, ông lên đóng quân tại Hà Giang. Năm 2003, trong một lần làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại Xín Mần (Hà Giang), ông đã mất 2/3 cẳng chân phải, mang thương tật 2/4. Năm 2009, ông xuất ngũ.
Trong những năm qua, ông luôn giữ vững bản chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ" chăm lo phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương. Năm 2010, ông được nhân dân tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ. Từ đó tới nay, hơn 13 năm làm Bí thư chi bộ cũng là chừng ấy năm ông tâm huyết với công việc này..
Ông Tú cho biết, dù thương tật 80% nhưng còn khỏe thì ông còn phục vụ người dân. Trong thâm tâm của ông luôn nghĩ đến lời dạy của Bác: "Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ".
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tú kể: "Trước đây, khi có chủ trương lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng, nhiều hộ dân còn chưa đồng tình, tôi đã bàn bạc trong Chi ủy chi bộ, Ban công tác Mặt trận để thống nhất cách làm. Sau đó, chúng tôi mời người dân tham gia họp bàn, hộ nào có ý kiến thắc mắc được trả lời và giải đáp ngay tại buổi họp. Do có sự đồng thuận cao trong nhân dân nên đến nay, toàn tổ đã có hệ thống đèn điện chiếu sáng giúp cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân thuận tiện, an toàn hơn".
Không chỉ vậy, hằng năm, ông Tú còn vận động nhân dân đóng góp từ 50 đến 70 ngày công tham gia lao động vệ sinh đường, ngõ, nhà văn hóa, chăm sóc đường hoa, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Lần nào tổ dân phố ra quân làm vệ sinh môi trường, ông luôn là người đi trước và ra về sau cùng. Ông Tú tâm sự: "Cách vận động mọi người hiệu quả nhất chính là sự gương mẫu của bản thân".
Là người sống chân tình, cởi mở với mọi người nên ông Tú hiểu tường tận hoàn cảnh từng gia đình trong tổ dân phố. Với kinh nghiệm và bề dày hàng chục năm công tác, người cựu chiến binh gần 40 năm tuổi Đảng đã giải quyết linh hoạt nhiều vấn đề nảy sinh trong tổ dân phố.
Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, ông đã tham gia nhiều buổi vận động, tuyên truyền về việc xây nhà đúng quy định, không lấn chiếm lòng lề đường; hòa giải mâu thuẫn gia đình, hòa giải mẫu thuẫn hàng xóm. Ông còn vận động nhân dân sửa chữa nhà văn hóa tổ dân phố...
Nhờ sự tích cực, nỗ lực của người Bí thư chi bộ và người dân địa phương, tổ dân phố số 7 nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; hằng năm trên 95% các hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá.
Trên đôi chân khập khiễng, hơn chục năm ròng, ông Tú vừa lo việc nhà, vừa lo việc xã hội với sự nhiệt huyết và chu toàn. Với tinh thần tích cực vì cộng đồng và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Năm 2023, ông Tú vinh dự là 1 trong 3 đại biểu của tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.