Hai cổ phiếu “ông lớn” bị bị hủy niêm yết: Đại diện doanh nghiệp nói gì?
Cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agrico bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE vì kết quả kinh doanh bết bát...
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã ban hành hai quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG).
Nguyên nhân của hai trường hợp đều đến từ kết quả kinh doanh bết bát những năm qua. Với HBC, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Còn HNG đã kinh doanh thua lỗ trong ba năm liên tục với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021, 2022 và 2023 về mức âm lần lượt là hơn 1.119 tỷ, 3.576 tỷ và 1.098 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã ban hành hai quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC và HNG vì 2 DN đều có kết quả kinh doanh bết bát những năm qua
Theo quy định, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Trước đó, nhiều mã chứng khoán bị hủy niêm yết trên HoSE cũng chuyển về giao dịch ở thị trường này.
Trên thị trường, cổ phiếu HBC đóng cửa cuối tuần ở 7.250 đồng một đơn vị, giảm 8% so với đầu năm. Trong khi đó, HNG chốt phiên ở 4.660 đồng một cổ phiếu, đi lùi khoảng 7% so với đầu năm.
Thời gian trước, hai mã chứng khoán kể trên từng rơi vào diện bị cảnh báo, kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch vì kết quả kinh doanh bết bát.
Xây dựng Hòa Bình lỗ hai năm liền trước khi thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nguồn thu giảm sút, nợ khó đòi dâng cao tạo gánh nặng trích lập dự phòng. Song song đó, thượng tầng công ty lại xảy ra cuộc "nội chiến".
Trong thư gửi cổ đông cuối tháng 4, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC - khẳng định công ty đã vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng chưa thực hiện thành công kế hoạch tái cấu trúc về tài chính, do đó vẫn trong điều kiện khó khăn.
Cũng trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài, HGAL Agrico kinh doanh dưới giá vốn khi các mảng cây ăn trái và cao su liên tục lận đận, trong khi chăn nuôi chưa mang lại thành quả lớn. Ngoài ra, công ty cũng mang trên mình nhiều khoản nợ, tạo ra áp lực tài chính lớn.
Tại phiên họp thường niên hồi tháng 5, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HNG - từng lường trước kịch bản bị hủy niêm yết nhưng theo ông, điều này không đáng lo ngại. Ông Dương khẳng định dù chuyển sàn, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch và nếu thực hiện tốt, giá cổ phiếu vẫn có thể cải thiện.
Thông tin với báo chí về diễn biến trên, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cũng cho biết, trước mắt sẽ khiếu nại quyết định của HoSE.
Bởi vì, căn cứ để HoSE đưa ra áp dụng huỷ niêm yết cổ phiếu HBC thực tế đã được công ty khắc phục.
Nếu căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024, vốn điều lệ của Hoà Bình tăng, lỗ luỹ kế giảm điều đó cho thấy khả năng huỷ niêm yết do tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp không còn tồn tại. Do đó, Hoà Bình muốn kiến nghị HoSE xem xét lại quyết định.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình còn nêu ra một điểm bất hợp lý nữa đó là báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Hoà Bình được công bố từ cuối tháng 3/2024 nhưng sau gần bốn tháng thì HoSE mới ra quyết định huỷ niêm yết, trong khi báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất thì lỗi đó đã được khắc phục.
Trong trường hợp không đảo ngược được mà buộc phải niêm yết cổ phiếu HBC trên sàn Upcom, ông Hải cho biết Hoà Bình sẽ ngay lập tức xúc tiến thủ tục để niêm yết, không để cổ đông bị ảnh hưởng.
Với các nhà đầu tư, chia sẻ trên các diễn đàn về đầu tư tài chính, nhiều người tỏ ra hoang mang, bày tỏ: “Là cổ đông của HBC, tôi khóc ròng với DN này 2 năm nay rồi”; “Còn nhớ thời kỳ đỉnh cao, cổ phiếu HBC từng đạt 28.000 đồng/cp. Khoảng 2 năm qua thì liên tục lao dốc, giờ chỉ còn số lẻ - 7.250 đồng/cổ phiếu”; “Ôi, những mã oanh liệt một thời. Tôi muốn tụt huyết áp quá”.