Quy trình tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự đối với sinh viên tốt nghiệp đại học
Bài viết sau có nội dung về việc tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự đối với sinh viên tốt nghiệp đại học được quy định trong Thông tư 113/2015/TT-BQP.
Quy trình tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự đối với sinh viên tốt nghiệp đại học (Hình từ Internet)
1. Quy trình tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự đối với sinh viên tốt nghiệp đại học
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 113/2015/TT-BQP thì quy trình tuyển chọn đối với những người là sinh viên tốt nghiệp đại học, cán bộ, công chức, viên chức ngoài Quân đội như sau:
- Xây dựng kế hoạch chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự:
+ Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu biên chế, thực trạng đội ngũ cán bộ, cơ quan cán bộ cấp quân khu và tương đương chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát quân sự cùng cấp xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ, báo cáo cơ quan chính trị thẩm định, trình thường vụ đảng ủy cấp mình.
+ Căn cứ vào quyết nghị của thường vụ đảng ủy cấp mình, cơ quan cán bộ cấp quân khu và tương đương tổng hợp kế hoạch, chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ báo cáo Tổng cục Chính trị (qua Cục Cán bộ).
+ Cục Cán bộ tổng hợp, trao đổi với Viện kiểm sát quân sự trung ương đề xuất chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
- Đề xuất nhân sự tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự:
+ Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương
Sau khi được thông báo chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp thành lập hội đồng tuyển chọn và tổ chức sơ tuyển trên hồ sơ; tiến hành thẩm tra xác minh đối với những trường hợp đã qua sơ tuyển; tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển (trong trường hợp không tổ chức thi tuyển).
Tổng hợp, đề xuất nhân sự tuyển chọn báo cáo Viện kiểm sát quân sự trung ương thẩm định; sau khi có kết quả thẩm định của Viện kiểm sát quân sự trung ương (bằng văn bản), tổng hợp, báo cáo cơ quan chính trị (qua cơ quan cán bộ) trình thường vụ đảng ủy cấp mình.
+ Cơ quan cán bộ cấp quân khu và tương đương
Tổng hợp nhân sự tuyển chọn cán bộ do Viện kiểm sát quân sự cùng cấp đề xuất, báo cáo Thủ trưởng Cục Chính trị thẩm định và thường vụ đảng ủy cùng cấp xem xét, đề nghị.
+ Hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục báo cáo Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng (qua Cục Cán bộ) xem xét, quyết định.
- Những người được tuyển chọn vào đội ngũ cán bộ, công tác tại Viện kiểm sát quân sự phải qua chương trình bồi dưỡng kiến thức quân sự theo quy định của Bộ Quốc phòng.
2. Các nguồn tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự
Các nguồn tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư 113/2015/TT-BQP bao gồm:
- Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng; cán bộ, công chức, viên chức, công dân ngoài Quân đội có trình độ Tiến sĩ luật, Thạc sĩ luật hoặc đã tốt nghiệp cử nhân luật, hệ chính quy, loại khá trở lên.
Trường hợp tình nguyện đến công tác ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, có thể tuyển chọn tốt nghiệp cử nhân luật, hệ chính quy, loại trung bình.
- Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng, học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học trúng tuyển sinh đại học quân sự được tuyển chọn đi đào tạo đại học luật hệ chính quy.
- Những người có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh công tác trong Viện kiểm sát quân sự.
Võ Tấn Đại